Tin mới

Đồng bào Công giáo Ninh Bình thi đua yêu nước, “sống tốt đời, đẹp đạo“

(Mặt trận) -Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 145.200 giáo dân (chiếm 23,33% dân số toàn tỉnh). Giáo hội Công giáo ở Ninh Bình có Tòa giám mục Phát Diệm gồm 9 hạt, 77 giáo xứ trong đó 76 giáo xứ thuộc tỉnh Ninh Bình, 1 giáo xứ thuộc tỉnh Hòa Bình và 346 họ Đạo.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Không khí đón mừng lễ Giáng sinh năm 2021 tại Nhà thờ đá Phát Diệm

Với phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", những năm qua, đồng bào Công giáo Ninh Bình đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương -giáo trong toàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Thực hiện đường hướng "sống phúc âm trong lòng dân tộc", Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh cùng với Ban Đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chú trọng phát triển, nhân rộng và lồng ghép các mô hình tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa trong các gia đình, xứ, họ đạo.

Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo Ninh Bình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh; đưa các loại cây, con, giống mới có năng suất và giá trị kinh tế vào sản xuất, cho thu nhập cao, góp phần tăng sản lượng và năng suất; mạnh dạn trong chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nhờ vậy mà nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đồng bào Công giáo vẫn duy trì ổn định sản xuất, làm kinh tế giỏi.

Tiêu biểu: Doanh nghiệp may xuất khẩu Trần Văn Hà; Doanh nghiệp Chiến Thảo (huyện Yên Mô) đã duy trì sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục công nhân với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng; ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc doanh nghiệp Thành Hóa (Yên Khánh); ông Nguyễn Văn Tạ (thành phố Ninh Bình); ông Trần Đồng Ân, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (giáo xứ Sơn Lũy, Nho Quan)…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là con em người Công giáo có mức lương ổn định từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng.

Ngoài ra, còn một số thanh niên, nam nữ trong các giáo xứ, giáo họ rất năng động trong lao động sản xuất, biết tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều ngành nghề khác nhau như nghề may mặc, da giày, hóa chất, xi măng và kinh doanh buôn bán, dịch vụ.

Một số thanh niên đã tình nguyện đi lao động nước ngoài để làm thay đổi đời sống gia đình. Vì vậy, đời sống của người dân được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn được giữ vững, góp phần xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, thôn, xóm bình yên, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đồng bào Công giáo Ninh Bình đã tích cực cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp công, tiền của, đất đai để mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi mở rộng bờ vùng, bờ thửa, kiên cố hóa kênh mương…, góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

Trong công tác bảo vệ môi trường, hàng tháng, các giáo xứ, giáo họ đạo đã phát động tổng vệ sinh làm sạch đường làng, ngõ xóm, sạch nơi thờ tự, thu gom rác thải tập kết đúng nơi quy định, góp phần xây dựng "Xứ, Họ đạo tiên tiến", "Xây dựng gia đình công giáo gương mẫu". 

Cùng với thi đua phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo Ninh Bình còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, tương thân, tương ái. Các giáo xứ, họ đạo đã tích cực hưởng ứng xây dựng Quỹ bác ái để khuyến khích mọi người quan tâm đến trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, gia đình khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ...

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các vị linh mục, các cơ sở dòng tu và bà con giáo dân có nhiều việc làm nhân ái sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết tôn giáo, đầu năm 2021, các vị chức sắc Phật giáo và các vị linh mục Công giáo đã tích cực hưởng ứng để cùng chung tay huy động kinh phí hỗ trợ 2 hộ nghèo ở xã Lưu Phương và Kim Định (Kim Sơn) được xây nhà mới. Các công trình này đã khánh thành và hoàn thiện trong tháng 11 năm 2021, góp phần giúp các hộ nghèo an cư, lạc nghiệp.

Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào hiến tặng giác mạc "Vì thế giới không mù lòa", đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng của cả nước. Các vị chức sắc, chức việc đã tích cực tuyên truyền vận động giáo dân đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, tiêu biểu như tại các giáo xứ Cồn Thoi, Tân Khẩn, Tân Mỹ, Như Tân, Tùng Thiện, Văn Hải, Hóa Lộc, Phát Diệm, Dục Đức, Phúc Nhạc, Tam Châu, Nam Biên... Đến nay, tổng số người đăng ký hiến tặng giác mạc là 10.925 người, số người đã hiến tặng giác mạc thành công là 360 người. 

Thi đua "sống tốt đời, đẹp đạo", đồng bào Công giáo tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực dựng xây cuộc sống mới, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển; nhiều giáo xứ, giáo họ nơi có đông đồng bào Công giáo được công nhận "Làng Văn hóa" và giữ vững danh hiệu nhiều năm liền. Bà con giáo dân đã tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần giảm tỷ lệ nghèo năm 2021 của toàn tỉnh xuống còn 1,5%, hộ cận nghèo còn 2,0%, đời sống đồng bào công giáo nói riêng và người dân nói chung ngày càng được cải thiện, nâng cao. 

Mai Lan

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản