Đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô
Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự tập hợp của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội, sự hướng dẫn, tạo điều kiện của Ủy ban MTTQ, chính quyền các địa phương, thời gian qua, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội đã triển khai xây dựng phong trào “Xứ, họ đạo tiên tiến” trên nền 4 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
|
Phụ nữ công giáo xã Bích Hòa ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Thông qua các phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”, đồng bào Công giáo đã đoàn kết, tương trợ nhau làm kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại diện mạo ngày một khang trang hơn cho các xứ, họ đạo. Hiện số hộ có kinh tế khá tăng, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Thành phố.
Đáng chú ý, đồng bào Công giáo Thủ đô đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp… Năm 2021, mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được mở rộng với 4 mô hình mới tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng (1), huyện Sóc Sơn (2) và Thường Tín (1), nâng tổng số mô hình toàn Thành phố lên 48.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức đi thăm, tặng quà các dòng tu, các Trung tâm trẻ khuyết tật trên địa bàn Thành phố vào dịp Tết. Hằng năm, tổ chức thăm, tặng quà linh mục, các xứ, họ đạo tiêu biểu dịp Noel. Qua đó có sự giao lưu, chia sẻ, nắm bắt được các hoạt động của đồng bào Công giáo, tạo sự đồng thuận, ủng hộ.
Trong năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung phải tạm dừng. Song, các giáo phận và chức sắc Công giáo trên địa bàn Thành phố đã tích cực chung tay cùng Đảng, Nhà nước tham gia phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 77,9 triệu đồng.
“Điều này một lần nữa khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của cộng đồng tôn giáo Thủ đô”, bà Đỗ Thị Thái nhấn mạnh.
Phụ nữ Công giáo Thủ đô chung tay ngăn chặn COVID-19
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, trong hoạt động của các cấp Hội phụ nữ Thủ đô, các hội viên là đồng bào Công giáo luôn chấp hành rất tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, các giáo dân luôn là những người đi tiên phong và tham gia các hoạt động của Hội một cách tích cực, từ tinh thần chung sức đồng lòng với nhân dân đến việc ủng hộ đóng góp cho các hoạt động, tổ chức. Riêng đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, những hộ giáo dân thời gian qua đã tham gia tuyên truyền vận động nhân dân rất nhiệt tình, sôi nổi… Qua đó đã góp phần san sẻ với lực lượng chức năng để phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) và cũng là một hội viên công giáo cho biết: Xã Bích Hòa có 6 thôn, trong đó có 4 thôn trên miền Thạch Bích (thôn Thượng, thôn Trên, thôn Giữa và thôn Mùi) là giáo dân theo đạo Thiên Chúa hay còn gọi là đạo toàn tòng.
Trong năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân xã Bích Hòa nói chung cũng như tất cả đồng bào công giáo trên địa bàn xã đã thực hiện rất nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ, Thành phố và huyện Thanh Oai về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Xã đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo chị Phượng, đặc điểm của xã Bích Hòa là không có chợ dân sinh mà chỉ có khu chợ cóc ở dọc quốc lộ 21B và hầu hết các tiểu thương đều là phụ nữ. Hội LHPN xã đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể phân công các chị em trực chốt tại chợ và thực hiện các nhiệm vụ như: Đo thân nhiệt, vận động tuyên truyền bà con thực hiện tốt 5K… Sau khi nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xã Bích Hòa là một trong những xã đầu tiên của huyện Thanh Oai triển khai mô hình: Chuyển chợ vào trong các nhà văn hóa để tránh tập trung đông người ở khu chợ tạm. Với các hoạt động này, chị em phụ nữ công giáo luôn tích cực tham gia, đồng thời ủng hộ rất nhiều về vật chất, tinh thần cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
|
Đồng bào công giáo xã Bích Hòa tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19. |
Chị Phượng chia sẻ: “Đồng bào Công giáo thường có nghi thức tập trung đông người, đặc biệt là vào các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ lớn trong năm. Năm 2021, giáo xứ Thạch Bích là chính xứ có kế hoạch tổ chức đăng cai Đại hội giới trẻ giáo tỉnh miền Bắc. Chấp hành chỉ đạo của Trung ương và Thành phố cũng như huyện Thanh Oai, UBND xã, các hoạt động của Đại hội đã dừng lại. Để đảm bảo an toàn cho giáo dân cũng như toàn dân nói chung, giáo xứ đã chấp hành và làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Vì vậy xã Bích Hòa đã được huyện và Thành phố biểu dương về tinh thần, hoạt động phòng chống dịch COVID-19”
Bên cạnh đó, Nhà thờ cũng dừng tổ chức tập trung các các ngày lễ lớn của đồng bào như Lễ Phục sinh, Lễ các linh hồn, vận động các giáo dân tham dự lễ trực tuyến tại nhà hay chia ra từng đợt cách ngày, cách giờ để triển khai thực hiện các nghi thức.
Để phát huy tinh thần, đường hướng "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bích Hòa: Trong hoạn nạn, khốn khó do dịch COVId-19 gây ra, đồng bào Công giáo đã chia sẻ, đoàn kết, chủ động đi quyên góp tiền ủng hộ để tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn xã… Tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam vẫn luôn được các giáo dân phát huy và lan tỏa sâu rộng.
Tính đến ngày 21/12 xã Bích Hòa đã có 30 ca F0 và 230 F1, vì vậy Noel năm nay, xã Bích Hòa đã có công văn gửi Nhà thờ dừng phần hội và phần lễ. Đồng thời thực hiện lễ đón Giáng sinh thông qua hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Việc này được đồng bào công giáo tuân thủ, chấp hành nghiêm túc./.
Thiện Tâm - Kim Liên