Tin mới

Đồng bào công giáo xây dựng nông thôn mới: “Dân vận khéo”: Việc khó thành dễ

(Mặt trận) -Bằng nhiều mô hình dân vận khéo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đông đồng bào công giáo sinh sống đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Mô hình nhà sạch, vườn đẹp của giáo dân ở thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường (Quảng Xương).

Sau rất nhiều năm khó khăn trong việc vận động thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 2021, lần đầu tiên xã Nga Phú (Nga Sơn, Thanh Hóa) có 9 thanh niên làm đơn tình nguyện nhập ngũ. “Chưa có tiền lệ và cũng chưa bao giờ tôi nghĩ địa phương có tới 9 bạn trẻ xung phong đi nghĩa vụ quân sự đều là đồng bào công giáo”, ông Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Ngay sát bên cạnh Nga Phú, ở xã Nga Liên (Nga Sơn, Thanh Hóa) trước đây, việc vận động thanh niên tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp thanh niên trúng tuyển lẩn tránh không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy vậy, 3 trong 4 linh mục tại các giáo xứ trong xã từng trải qua quân ngũ đã tuyên truyền, vận động giúp nhiều thanh niên hiểu và nhận thức đúng đắn, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

Nhìn chung, ở các địa phương có đông đồng bào công giáo, trước đây, để tuyên truyền vận động từ phát triển kinh tế, đến xây dựng đời sống văn hóa, phát triển Đảng... đều rất khó khăn. Nhưng, bằng nhiều cách làm hay, tuyên truyền khéo, việc khó cũng thành dễ. Đối với tuyên truyền công tác tuyển quân, huyện Nga Sơn luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng và đơn vị tôn giáo trên địa bàn. Ngoài sự thăm hỏi động viên từ phía gia đình, bạn bè, những món quà khích lệ tinh thần từ các cơ quan, đoàn thể, vai trò của linh mục, ban hành giáo là rất quan trọng.

Linh mục Vũ Đức Tú, Chánh xứ giáo xứ Tam Tổng, xã Nga Liên, cho biết: “Trong các buổi lễ hoặc sinh hoạt giáo dân, linh mục cũng như ban hành giáo luôn vận động, nhắc nhở thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với các bậc phụ huynh cho con em đi khám tuyển sức khỏe, đăng ký nghĩa vụ quân sự để tích cực cống hiến sức trẻ cho đất nước”.

Để tạo niềm tin, sự đồng thuận trong các hoạt động, phong trào ở vùng đồng bào công giáo, cần phát huy vai trò tiên phong của linh mục, giáo xứ. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, khẳng định: “Điều cần nhất là tranh thủ ý kiến của các linh mục, chức sắc”. Huyện Thọ Xuân có 7 giáo xứ, 46 giáo họ, với hơn 20.000 giáo dân sinh sống. Trong đó, Thọ Xương là xã có tới 2/3 là đồng bào giáo dân, sinh sống ở 7/9 thôn. Để thực hiện tốt xây dựng xã NTM nâng cao, xã đã tổ chức buổi gặp mặt đầu năm tranh thủ ý kiến của các linh mục và chức sắc tôn giáo.

Trong các bài giảng, Linh mục Nguyễn Cao Vinh, Chính xứ Hữu Lễ (xã Thọ Xương) đều nói về đạo đời hòa hợp, về vai trò của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thương binh Nguyễn Minh Đông (80 tuổi), ở thôn Hữu Lễ 1, cảm nhận: “Từ chính những hành động cụ thể của Linh mục Nguyễn Cao Vinh mà tôi và bà con giáo dân ở giáo xứ Hữu Lễ luôn nỗ lực thay đổi cuộc sống của cá nhân mình và cộng đồng tốt đẹp hơn”.

Chính nhờ vai trò của các linh mục mà những địa phương có đông đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Nga Sơn, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn, Thạch Thành, Yên Định, Nông Cống và TP Thanh Hóa... đã thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới. Linh mục Trần Xuân Mạnh, chánh xứ Phúc Lãng, thôn Quảng Tâm, xã Quảng Trường (Quảng Xương), Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, cho biết: “Là linh mục thì phải có mùi chiên, tức là vị mục tử chăn chiên thì phải ở cạnh đàn chiên (giáo dân), là đại biểu HĐND thì phải gần dân, phải vui sau cái vui của dân, lo trước cái lo của dân”. Cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, của địa phương, giáo xứ và cá nhân linh mục Trần Xuân Mạnh, đời sống của người dân thôn Đồng Tâm, đã khởi sắc hơn, bình quân thu nhập đầu người đạt 69,2 triệu đồng/năm.

Công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào Công giáo vốn gặp nhiều khó khăn, song nhiều cấp ủy đã có cách làm hiệu quả. Thôn Kén, xã Tượng Sơn (Nông Cống) có 179 hộ, trên 700 nhân khẩu, là thôn Công giáo toàn tòng. Để kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị vùng giáo, Đảng ủy xã đã “gỡ khó” bằng cách giao trách nhiệm cho đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn; đồng thời cử các đồng chí đảng ủy viên về dự sinh hoạt với chi bộ nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ. Sau 7 năm, Chi bộ thôn Kén đã kết nạp thêm được 4 đảng viên là người công giáo, nâng tổng số đảng viên người công giáo trong chi bộ là 7 người.

Từ nhận thức sẽ có những thay đổi trong hành động. Câu chuyện đưa người chết vào khu thờ tự là sự “bất tiện”, “bất hợp lý” ở nhiều địa phương có đồng bào Công giáo những năm trước đây. Cụ thể, khi giáo dân qua đời, thi thể được đưa vào nhà thờ làm lễ có thể từ 1-2 ngày, sau đó mới tổ chức chôn cất. Từ năm 2008, lãnh đạo xã Nga Liên (Nga Sơn) cùng với trùm các giáo họ bàn kế hoạch xây dựng nhà tang lễ. Sau khi nhà tang lễ đầu tiên của xã ở nghĩa địa thôn 3 hoàn tất, giáo dân càng hiểu rõ hơn công tác vệ sinh môi trường, sự thuận lợi “đôi đường” vì thực hiện nghi thức tôn giáo và chôn cất cùng trong nghĩa địa. Từ mô hình này, nhiều địa phương có đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đến tham quan học tập để quy hoạch lại khu nghĩa trang giáo xứ khang trang, sạch đẹp hơn.

Để tạo nên những “luồng gió mới” là cả một hành trình dài nỗ lực từ các cấp ủy, chính quyền, đến các linh mục, giáo xứ và từ chính sự quyết tâm thay đổi của bà con đồng bào giáo dân. Xin dẫn lời ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân: “Những kết quả đạt được trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của bà con giáo dân trên địa bàn huyện có vai trò rất lớn của công tác dân vận. Nhờ dân vận khéo mà những việc khó cũng hóa dễ”.

Những ngày này, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh 2021. Niềm vui được nhân lên vì họ đã đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước theo tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” để lương và giáo thêm gần nhau hơn.

Chi Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản