(Mặt trận) -Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VAC-R) của gia đình ông Bàn Văn Lạc, 60 tuổi, dân tộc Dao, thôn Trì Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Năm 2014, ông Bàn Văn Lạc bàn với vợ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với vốn tích lũy trước đó để mở rộng trồng rừng (chủ yếu là quế) và chăn nuôi. Nhận thấy trồng quế cho giá trị kinh tế cao, vừa bán vỏ, vừa tận thu lá, năm 2021, ông trồng thêm 3.000 cây quế giống. Với gần 1 ha ngô đồi, hơn 1.800 m2 ruộng lúa 2 vụ, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hơn 8 tấn ngô, thóc. Nguồn lương thực dồi dào, gia đình ông có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn, gà. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, mỗi năm ông Lạc thu được hơn 1 tỷ đồng và được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
|
Mô hình trồng rừng của ông Bàn Văn Lạc, xã Trì Quang. |
Anh Trần Văn Huế, dân tộc Tày, thôn Đồng Lục, xã Gia Phú cũng là tấm gương nông dân dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Bảo Thắng. Năm 2017, anh Huế bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tháng 2/2021, anh thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục với quy mô 1,7 ha chuyên trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua, rau các loại… Mỗi năm, mô hình trồng rau, quả hữu cơ của anh Huế cho thu khoảng 400 - 500 triệu đồng và dưa lưới Hàn Quốc của hợp tác xã đang được huyện Bảo Thắng xây dựng thành sản phẩm OCOP. Anh Huế còn liên kết với 18 hộ ở thôn Soi Cờ và thôn Đồng Lục bao tiêu sản phẩm rau an toàn theo mùa.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Thắng cho biết: Huyện Bảo Thắng hiện có 45.235 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 40% dân số toàn huyện. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo chính quyền các cấp tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đưa các giống lúa, ngô chất lượng cao và các loại cây ăn quả hàng hóa phù hợp với thế mạnh của huyện như nhãn, na, bưởi Múc, chuối, dứa... vào sản xuất; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 54,9%. Trong chăn nuôi, huyện phát triển mạnh theo hướng gia trại, trang trại gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn phòng dịch; quy mô, cơ cấu hợp lý gắn với sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các chương trình, dự án, chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo được huyện triển khai đồng bộ. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 6%/năm. Đến nay, Bảo Thắng còn 1.488 hộ/29.942 hộ nghèo (chiếm 4,96%), trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là 860 hộ/9.431 hộ (chiếm 9,1%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Thời gian qua, huyện đã phối hợp đào tạo nghề cho 5.543/14.363 lao động, tạo việc làm mới cho 4.857 lao động là người dân tộc thiểu số. Hiện toàn huyện có 170 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm 34% nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn huyện).
Thời gian tới, huyện Bảo Thắng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên 1 ha đất canh tác, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, khả năng cạnh tranh tốt, đồng thời liên kết bao tiêu sản phẩm nông - lâm nghiệp cho người dân; đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định; tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách vay vốn ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Thanh Huệ