Tin mới

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

(Mặt trận) -Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo đồng bào DTTS tích cực tham gia.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Mô hình chăn nuôi vịt cho hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình anh Hà Văn Sinh, thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Nhờ đó, kinh tế và các hoạt động xã hội của đồng bào DTTS có những bước phát triển mới bền vững hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được cải thiện.

Có thể thấy, nét nổi bật trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào DTTS đó là đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm...

Nhiều hộ gia đình đã tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa. Với những bước chuyển biến quan trọng, phong trào đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Từ phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương đồng bào DTTS tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo. Bác Tôn Thị Hồng Việt, thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) là một điển hình như thế. Vốn là người luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, bác đã mạnh dạn nhận trồng, chăm sóc 19 ha keo, nuôi 130 đàn ong, mỗi năm thu được 1,3 tấn mật, thu nhập hàng năm khoảng 900 triệu đồng. Nhờ kinh tế phát triển bác đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, đầu tư cho con ăn học và giúp đỡ bà con lối xóm trong lúc hoạn nạn khó khăn. Nhiều năm liên tục bác được Ủy ban MTTQ tỉnh công nhận là điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi, công tác xã hội tốt.

Hay như anh Hà Văn Sinh, dân tộc Thái, thôn La Ca, xã Cổ Lũng (Bá Thước), với đức tính cần cù, nhạy bén trong công việc, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bà con miền xuôi. Khai thác lợi thế dòng suối Nủa chảy qua, anh đã đầu tư chăn nuôi vịt Cổ Lũng - một sản vật nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Pù Luông cũng mong muốn được thưởng thức. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình anh hiện có gần 500 con, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Để khuyến khích người dân cùng nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, anh đã thành lập HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên, nuôi từ 2.000 - 2.500 con theo quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất giống, chọn giống, bố trí, vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn đến cách tiêm phòng, trị bệnh... Anh Sinh cũng chính là người cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Hiện thu nhập của mỗi thành viên trong HTX trung bình đạt từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm. Học theo anh Hà Văn Sinh, mấy năm trở lại đây, không chỉ 900 hộ dân ở xã Cổ Lũng mà các xã lân cận cũng đến để mua giống vịt Cổ Lũng về chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Và còn rất nhiều những tấm gương đồng bào DTTS táo bạo, “dám nghĩ dám làm” trong việc bứt phá tìm đường làm giàu hợp pháp; những tấm gương luôn tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của làng bản, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo như: chị Phạm Thị Huệ, dân tộc Mường, thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc (Như Thanh), anh Bùi Như Nam, thôn Thác Làng, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), bác Phạm Văn Chinh, dân tộc Mường, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), bà Đặng Thị Thêm, chi hội phó phụ nữ thôn Đồng Mực, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), ông Bùi Thanh Luân, xã Thọ Bình (Triệu Sơn)...

Dù bằng nhiều con đường khác nhau dẫn đến thành công, song nét chung nhất của các gương điển hình “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, chịu khó, biết tận dụng thời cơ kinh doanh dịch vụ, thế mạnh vườn đồi, vườn rừng để sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu của đồng bào. Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; góp phần củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Phan Nga

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản