Tin mới

Đồng bào Khơ Mú với điệu hát Tơm

(Mặt trận) -Nếu như người Thái tự hào về những điệu xòe, thì người Khơ Mú rất hãnh diện về điệu Tơm của dân tộc mình.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai thăm, chúc mừng các cơ sở Công giáo và Tin lành nhân dịp lễ Phục sinh năm 2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

Đó là làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Những dịp vui của gia đình, làng bản và của nam thanh nữ tú luôn không thể thiếu những câu hát Tơm.

 Đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Nhắc đến dân ca của người Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát Tơm. Với hát Tơm, nó được ví như những làn điệu dân ca của người Kinh, mang đậm chất sử thi, trữ tình, lúc du dương, êm ái, tình tứ; lúc thì lại rộn ràng, nhộn nhịp.

Trong mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi,… làn điệu Tơm lại vang lên dập dìu, say đắm. Không ai nhớ điệu Tơm có từ bao giờ chỉ biết rằng từ bao đời nay điệu Tơm đã gắn bó với mọi hoạt động văn hóa của người Khơ Mú. Các điệu Tơm truyền thống của người Khơ Mú như “Tơm Đường Kmun” (Tơm mừng đám cưới); “Tơm Ơ Grang Mỵ” (Tơm mừng nhà mới); “Tơm Kân Chơ” (Tơm giao duyên). Đặc biệt là điệu “Tơm Muôn” (Tơm mùa xuân), được hát múa trong những ngày Xuân, ngày Tết...

Tơm có thể hát một người hoặc hát đối hay hát tập thể. Tơm có giai điệu khi du dương, êm ái, tình tứ; lúc lại rộn ràng, nhộn nhịp. Ca từ trong sáng, nội dung những bài hát thể hiện sâu sắc tình yêu cuộc sống, thiên nhiên; chứa đựng những tâm tư, tình cảm và lối ứng xử đầy chất nhân văn của đồng bào Khơ Mú.

Nếu ai đã một lần ghé thăm các bản của người dân tộc Khơ Mú sẽ cảm nhận rất rõ âm hưởng hùng vĩ của đại ngàn qua những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Khơ Mú, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là nơi tập trung đông đảo đồng bào Khơ Mú sinh sống. Những ngày lễ, ngày Tết ở nới đây luôn tấp nập. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, nhiều bà con trong bản Huổi Thợ tham gia CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú, thường xuyên tập luyện hát múa dân ca.

 Trong điệu múa hát Tơm.

Chị Mo Thị Nhung- một thành viên CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú cho biết, từ bé chị đã học hát Tơm từ mẹ. “Lúc đầu tôi đi xem mẹ và mọi người biểu diễn rồi hát theo. Lớn lên tôi vừa học hát, vừa tự mình sáng tác và hát cho phù hợp”.

Chị bảo, những người trong gia đình chị, cứ khi rảnh rỗi lại trò chuyện về hát Tơm. Hát Tơm là một cách kể lại các câu chuyện sinh hoạt đời thường của gia đình, cộng đồng làng bản, là lời chúc phúc cho đôi lứa trong lễ cưới, lễ hỏi, là những ước mơ được gửi gắm trong những ngày đầu năm mới… “Những dịp Tết đến Xuân về phải có hát Tơm thì mới vui”- chị Nhung chia sẻ. Chị trăn trở với hát Tơm bởi “nếu mình không học, thì sau này không có ai truyền lại cho con cháu mình”.

Để hát Tơm thật sự cuốn hút không thể thiếu các nhạc cụ độc đáo được làm từ cây tre, cây nứa… qua đôi bàn tay khéo léo của những người đàn ông Khơ Mú như “đao” hay “tính tờ rang”… Người Khơ Mú thường vừa đánh đao vừa hát hoặc hát một đoạn xong sẽ gõ đao, họ sẽ dập vào đùi để có âm thanh theo ý muốn.

Được biết, có rất nhiều nhạc cụ có thể đệm cho hát Tơm, nhưng hay nhất là đàn “tính tờ rang”. Khi hát Tơm tập thể, người Khơ Mú cũng thường kết hợp với múa. Các động tác đánh tay, lắc hông thể hiện sự hồn nhiên và yêu thích hát ca của người Khơ Mú.

Để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Khơ Mú, nhiều năm gần đây huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xây dựng nhiều CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú, tạo nên các điểm cộng đồng thực hiện bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.

Ở bản Huồi Thợ bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới thì việc chú trọng phát huy văn hóa truyền thống được đặc biệt quan tâm. CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú bản Huồi Thợ hàng tháng đều tổ chức sinh hoạt, tập luyện hát múa. Đó cũng là dịp để bà con Khơ Mú cùng nhau cất lên điệu Tơm, gửi gắm vào đó niềm vui sau những ngày lao động mệt mỏi.

Theo nhiều bậc cao niên người Khơ Mú cho biết, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt truyền lại những điệu Tơm cho đời sau là vấn đề đang được các cấp lãnh đạo nơi có đồng bào Khơ Mú sinh sống. Do xã hội phát triển, sự du nhập văn hóa khiến các bạn trẻ thích thú với những điều mới mẻ hơn.

Tuy nhiên, địa phương cũng như những người đang say mê với điệu Tơm, nhạc cụ dân tộc… luôn tìm cách gìn giữ và phát triển. Thông qua các lễ hội, hội thi văn hóa, hay mỗi dịp Tết đến Xuân về lại luôn có những câu hát Tơm, những điệu múa đặc trưng dân tộc… góp phần phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo dựng sự gắn kết cộng đồng, xây dựng quê hương, làng bản.

Đến mùa Xuân mới, điệu Tơm trầm bổng lúc sâu lắng lúc rộn ràng lại vang lên gửi gắm niềm mong muốn ông bà có thêm một tuổi, trẻ em có thêm một tuổi, mọi người mọi nhà năm mới có sức khỏe tốt hơn…

Người Khơ Mú tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Người Khơ Mú chủ yếu làm kinh tế nương rẫy. Cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa lâu đời, tuy cuộc sống vật chất còn nghèo, nhưng đời sống tinh thần rất dồi dào.

TÙNG LINH

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản