Tin mới

Đồng bào Phật giáo tỉnh Gia Lai đồng hành cùng sự phát triển

(Mặt trận) -Cùng với sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo tại Gia Lai cũng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Bên cạnh đó, tăng ni, phật tử đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển của đất nước và tỉnh Gia Lai .

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Phụng sự chúng sanh

Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981, Gia Lai là một trong những tỉnh thành lập Ban Trị sự Phật giáo sớm so với các địa phương trong cả nước (năm 1982). Từ đó đến nay, Ban Trị sự trải qua 5 nhiệm kỳ hoạt động. Diện mạo của các cơ sở thờ tự Phật giáo cũng đổi thay nhiều. Toàn tỉnh Gia Lai có gần 120 ngôi chùa và tịnh xá. Đặc biệt, nhiều chùa, tịnh xá được trùng tu nâng cấp, xây dựng quy mô, kiến trúc phong phú, đáp ứng yêu cầu tâm linh của đồng bào Phật giáo và người dân, hòa nhập với sự phát triển của xã hội”.

Đội ngũ tăng ni cũng ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Thượng tọa Thích Giác Duyên-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Giáo dục tăng ni-cho hay: “Toàn tỉnh có hơn 500 chức sắc và tăng ni đang tu học. Nhiều vị tăng ni trẻ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có hơn 10 tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 60 cử nhân Phật học, đáp ứng yêu cầu kế thừa, phát triển của Giáo hội. Riêng Trường Trung cấp Phật học Gia Lai đã hoàn thành 3 khóa đào tạo cho hơn 160 tăng ni sinh và đang chuẩn bị khai giảng khóa IV”.

Tịnh xá Ngọc Lai phối hợp cùng Mạnh Thường Quân tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại huyện Ia Grai. 

Với phương châm “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường Chư Phật”, tăng ni và phật tử luôn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện-Trưởng ban Từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-chia sẻ: “Từ nguồn lực hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng các chùa, tịnh xá, tăng ni, đồng bào phật tử trong tỉnh, Phật giáo tỉnh nhà đã triển khai các hoạt động giúp người nghèo, người neo đơn, tàn tật, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai bão lụt, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Mỗi năm, trị giá hoạt động từ thiện khoảng gần 10 tỷ đồng”.

Cũng theo Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện: “Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh 2 lần trao nguồn ủng hộ của các chùa, tịnh xá, tăng ni, phật tử trong tỉnh với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng (tại điểm tiếp nhận của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), góp phần vào công tác phòng-chống dịch Covid-19, ủng hộ hàng chục tấn rau củ quả cho người dân TP. Hồ Chí Minh trong những tháng thực hiện giãn cách cũng như tổ chức ủng hộ lương thực và thực phẩm, đồ bảo hộ và trang-thiết bị y tế cho các điểm cách ly tập trung, các bệnh viện. Bên cạnh đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện cùng các chùa, tịnh xá, tăng ni và đồng bào phật tử còn có nhiều hình thức hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nấu cơm từ thiện cho hàng ngàn công dân thực hiện cách ly tập trung, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn, chung tay giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19”.

Lan tỏa tình yêu thương

Trong hơn 20 năm trụ trì chùa Bửu Châu (TP. Pleiku), Ni sư Thích Nữ Minh Nguyên với lòng từ bi đã cưu mang hơn 100 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ vị thành niên có hoàn cảnh cơ nhỡ. Hiện nay còn hơn 60 cháu từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi đang được nhà chùa nuôi dưỡng. Trong đó, nhiều cháu mắc bệnh hiểm nghèo đã được cho đi điều trị, nay sức khỏe đã ổn định. Ni sư Thích Nữ Minh Nguyên chia sẻ: “Dẫu biết công việc rất vất vả, nhưng chùa sẽ khắc phục mọi khó khăn để nuôi dưỡng các cháu cho đến ngày trưởng thành”. 

 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai tặng đồ bảo hộ và vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh. 

Cơ sở khám-chữa bệnh từ thiện mang tên “Tuệ Tĩnh Đường” (TP. Pleiku) do Ni sư Thích Nữ Minh Chánh đảm nhiệm. Đến nay, ni sư đã có bề dày hơn 15 năm trực tiếp thăm mạch, bốc thuốc điều trị bệnh, kết hợp châm cứu cho hàng ngàn lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tất cả bệnh nhân đều được điều trị hoàn toàn miễn phí. Bệnh nhân còn được hướng dẫn tập dưỡng sinh, cách ăn uống thanh đạm, có lối sống tích cực và tâm hướng thiện để có kết quả điều trị tốt nhất. Ngoài ý nghĩa từ thiện nhân đạo chữa bệnh cứu người, Ni sư Thích Nữ Minh Chánh đã góp phần phát huy vai trò nền y học cổ truyền tại địa phương.

Ông Hồ Hải Tần, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai đánh giá: “Những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai đã chú trọng hướng dẫn chức sắc, tu sĩ và tín đồ chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng-tôn giáo, sống tốt đời-đẹp đạo. Các hoạt động tôn giáo được thực hiện theo đúng đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Đồng thời, chức sắc, tăng ni và tín đồ đã tích cực trong hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tỉnh nhà”.

THANH NHẬT

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản