Tin mới

Động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

(Mặt trận) -Xác định phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua chính quyền các cấp tỉnh Bình Phước đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho đồng bào vùng cao biên giới.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Nâng cấp tuyến đường ĐT 760 nối xã Đức Hạnh và xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước).

Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ có 40 DTTS, với 193.860 nhân khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS chủ yếu làm nghề nông nghiệp, sinh sống phân tán, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung ở địa bàn 15 xã biên giới, thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đến vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Nhờ đó, đến nay gần như 100% đường liên ấp trên địa bàn tỉnh đã được nhựa hóa hoặc bê-tông. Các công trình thiết yếu được đầu tư hoàn chỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bù Gia Mập Lê Quang Oanh cho biết, là huyện miền núi, biên giới, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 36% số dân, cho nên điều kiện kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để định canh, định cư cho người dân trên địa bàn, huyện đã xây dựng ba dự án định cư: tiểu khu 42, xã Đăk Ơ; tiểu khu 119 xã Phú Nghĩa và tiểu khu Đăk Á, xã Bù Gia Mập và thực hiện nhiều công trình thiết yếu khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng xa, vùng biên giới.

Thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa là một trong những thôn khó khăn nhất của huyện Bù Gia Mập, nơi có gần 400 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Xtiêng sinh sống. Trước đây thôn Hai Căn gần như biệt lập do giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân chậm phát triển, nhiều hộ phải nhận cứu trợ. Từ khi được UBND huyện Bù Gia Mập đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa kết nối từ UBND xã Phú Nghĩa vào thôn Hai Căn, người dân tiếp cận được nhiều dịch vụ, khắc phục tập quán thâm canh tự phát, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, phát triển giao thương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều loại nông sản như điều, hồ tiêu, cao-su... của người dân tìm được đầu ra, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Cách đây hơn 10 năm, dự án định canh, định cư tại tiểu khu 42, thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được thành lập nhằm ổn định tình trạng người dân di cư tự do, xâm canh lấn chiếm đất lâm phần bị thu hồi tại huyện Bù Gia Mập. Nhưng do dự án là một khu dân cư biệt lập, chỉ có một con đường đất đỏ. Từ trung tâm xã Đắk Ơ đi vào chỉ khoảng 10km, nhưng mùa mưa khu tái định cư như bị cô lập vì đường trơn trượt không thể di chuyển ra vào. Những ngày nắng, chỉ cần một xe máy chạy qua là bụi che lấp con đường.

Do đó, các hộ dân được hưởng chương trình định canh, định cư tại đây vẫn không mặn mà đến ở. Để thu hút người dân vào khu ở mới, chính quyền huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm, đồng thời xây dựng đập thủy lợi nhỏ để tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.

Ngoài ra, huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ con giống tạo sinh kế cho các hộ các hạ tầng thiết yếu để nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, tại dự án định canh, định cư thuộc tiểu khu 42, UBND huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ cấp đất sản xuất cho 125 hộ, với tổng diện tích là 108,915 ha. Cấp đất ở cho 167 hộ dân và xây dựng 101 căn nhà.

Những chính sách an sinh xã hội của Bình Phước đang từng bước ổn định cuộc sống của người dân, vừa góp phần giữ vững an ninh vùng biên giới. Mới đây, tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là hơn 873 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 793,4 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 80 tỷ đồng, riêng năm 2022 là 156 tỷ đồng.

Với nguồn vốn được phân bổ, tỉnh sẽ thực hiện các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Lý Trọng Nhân, đây là một trong những nguồn lực quan trọng để Bình Phước đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, xóa nghèo và nâng cao chất lượng đời sống vùng có đông đồng bào sinh sống, qua đó sớm rút ngắn khoảng cách vùng xa, vùng biên giới với các trung tâm đô thị trong tỉnh.

Nhất Sơn

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản