Tin mới

Đồng Nai: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Đồng Nai hiện có 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động, với gần 2,3 triệu tín đồ các tôn giáo

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường chúc mừng các cá nhân ở Đồng Nai (trong đó có chức sắc tôn giáo) được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, qua đó phát huy sức mạnh tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong tham gia công tác xã hội.

* Tích cực tham gia công tác xã hội

Các tôn giáo ở Đồng Nai cơ bản hoạt động đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của giáo hội, luôn hướng tới mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”.

Thượng tọa Thích Minh Trí, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa, Trụ trì chùa Phúc Lâm (TP.Biên Hòa) chia sẻ, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ Phật đản, lễ Vu lan, chùa Phúc Lâm đều tổ chức trao tặng quà, tiền cho hội viên Hội Người mù trong tỉnh và người nghèo khó ở một số phường của TP.Biên Hòa. Qua đó tiếp thêm nghị lực cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, lạc quan và yêu đời hơn.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hàng năm các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Đồng Nai đã thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái xã hội với tổng trị giá trên 300 tỷ đồng; tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, dân vận khéo... khoảng 16 tỷ đồng.

Đặc biệt, những năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà chùa không chỉ cùng Giáo hội Phật giáo TP.Biên Hòa đóng góp tiền vào Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta mà hàng ngày, thời điểm bị giãn cách xã hội, nhà chùa còn tổ chức các chuyến xe đi từng ngõ, gõ từng phòng để trao các phần nhu yếu phẩm cho người lao động, công nhân nghèo đang ở trong các khu nhà trọ thuộc P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa), góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương không để người dân nào bị đói vì dịch bệnh.

Đối với tổ chức Công giáo, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng trăm linh mục, tu sĩ, chủng sinh của Giáo phận Xuân Lộc đã không quản vất vả, nguy hiểm, tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần dấn thân vì cộng đồng của nhà tu hành.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn tham gia tích cực vào lĩnh vực xã hội hóa y tế và giáo dục. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom), trường nghề đầu tiên của tổ chức Công giáo tại Việt Nam; đồng thời, thành lập được một số trường mầm non, trường phổ thông... Cùng với đó, các tôn giáo đã mở nhiều phòng khám đa khoa, Đông y, Tây y; phòng chẩn trị y học cổ truyền; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa... Tổng số tiền mà các tôn giáo tham gia vào hoạt động y tế là hơn 31 tỷ đồng/năm.

Các tổ chức tôn giáo cũng tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng năm, các tổ chức tôn giáo cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tham gia phóng sinh với nhiều hình thức như: thả cá xuống hồ Trị An, sông Đồng Nai; phóng sinh các loại động vật về rừng và môi trường tự nhiên, góp phần phục hồi, duy trì nguồn lợi thủy sản, giữ gìn nguồn nước sạch, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái...

* Đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

Không chỉ tham gia tích cực vào công tác xã hội, từ thiện bác ái, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết, với hơn 70% dân số của tỉnh là đồng bào các tôn giáo nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh rất quan tâm. Cụ thể như ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh không những tích cực đi bầu cử mà còn có 118 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành trúng cử HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, đồng bào tôn giáo trong tỉnh ngày càng có ý thức tự giác phấn đấu vào Đảng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 6.800 đảng viên là đồng bào có đạo (chiếm 7,7% số đảng viên toàn tỉnh); các tổ chức chính trị - xã hội đã tập hợp hơn 456 ngàn đoàn viên, hội viên là đồng bào tôn giáo vào các tổ chức đoàn thể.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể luôn tranh thủ, vận động được chức sắc, chức việc, tu sĩ tiêu biểu, có uy tín trong các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành đúng quy định của pháp luật và tham gia các phong trào thi đua yêu nước; xử lý những tình huống phát sinh trong tôn giáo, không để xảy ra những vụ việc phức tạp tại địa phương.

Qua thực hiện phong trào thi đua yêu nước, đồng bào tôn giáo cùng nhân dân trong tỉnh đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới, đưa kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ổn định. Hiện toàn tỉnh có 77/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 17 khu dân cư kiểu mẫu...

Nguyên Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Trần Thanh Hùng cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, hình thức, nội dung, phương pháp tuyên tuyền, vận động quần chúng tôn giáo phải đa dạng, phù hợp từng đối tượng, từng vùng và từng chuyên đề, qua đó tiếp tục phát huy sức mạnh của các tôn giáo trong xây dựng quê hương đất nước.

Bên cạnh đó, chú trọng khai thác các giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong tuyên tuyền để làm cho tín đồ tôn giáo cảm nhận nội dung tuyên truyền gần gũi hơn, dễ tiếp thu hơn. Khi cần, có thể thông qua chức sắc tôn giáo để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng trong các buổi rao giảng ở nhà thờ. Qua đó, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp trong văn hóa, đạo đức của các tôn giáo, vừa góp phần tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phương Hằng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản