Tin mới

Đồng Nai: Thêm trợ lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

(Mặt trận) -Đồng Nai có 24 xã nằm trong danh sách các xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025. Những khu vực này là nơi tập trung sinh sống của gần 200 ngàn người thuộc 53 thành phần DTTS.

Thanh Sơn tập trung thực hiện chính sách người dân tộc

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng ngày càng khởi sắc

 Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khang khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2023.

Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS trong tỉnh bứt tốc đuổi kịp mức sống bình quân của tỉnh.

* Còn nhiều khó khăn trong cuộc sống

24 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tại Đồng Nai gồm: Đak Lua, Tà Lài, Phú Bình (huyện Tân Phú); Phú Túc, Túc Trưng, Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn, Phú Lợi (huyện Định Quán); Bảo Quang, Bình Lộc, Phú Bình (thành phố Long Khánh); Lộ 25, Xuân Thiện (huyện Thống Nhất); Lang Minh, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); Cây Gáo, Bàu Hàm, Sông Thao, Thanh Bình (huyện Trảng Bom); Xuân Tây, Sông Ray, Bảo Bình, Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ).

Thời gian qua, cùng với việc triển khai các chính sách cũng như nỗ lực của cộng đồng, đời sống của đồng bào DTTS không ngừng tăng lên. Nhiều cá nhân trong đồng bào DTTS là những trí thức tiêu biểu, doanh nhân thành đạt, người có đóng góp tích cực trên các mặt của đời sống xã hội. Song mặt bằng đời sống chung của đồng bào DTTS trong tỉnh vẫn còn những hạn chế.

Theo đó, hiện toàn tỉnh còn gần 8 ngàn hộ nghèo cùng 6,6 ngàn hộ cận nghèo. Trong số này, hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 712 hộ (chiếm khoảng 8,9% hộ nghèo toàn tỉnh); số hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS là 865 hộ (chiếm khoảng 13% hộ cận nghèo toàn tỉnh). Trong khi đó, số người DTTS chỉ chiếm khoảng 7% tổng dân số toàn tỉnh. Có thể thấy rõ, số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS hiện nay của tỉnh khá cao.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, năm qua, đã có 65 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ xây dựng nhà ở với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ. Tuy nhiên, qua khảo sát có 520 hộ đồng bào DTTS cần được hỗ trợ trong xây, sửa nhà ở. Những trường hợp này tập trung ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Đối với những trường hợp có đất thì việc khó là vận động kinh phí xây dựng nhà ở. Song nhiều trường hợp không có đất riêng nên khi dựng nhà cho đồng bào rất khó vì vừa hỗ trợ kinh phí lại vừa phải tìm cách hỗ trợ diện tích đất.

Đồng Nai hiện có gần 65 ngàn hộ đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung đông nhất là tại 2 huyện Trảng Bom, Định Quán với lần lượt là gần 12,5 ngàn hộ và gần 11,4 ngàn hộ.

Ngoài ra, mỗi năm Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo họp xét tuyển học sinh DTTS vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, trường đào tạo nghệ thuật. Như năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 271 học sinh DTTS được tuyển mới vào học tại các trường dân tộc nội trú. Đồng thời, số lượng trường học ngày càng nhiều cũng giúp cho việc đến trường của con em đồng bào DTTS ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thiên Bình (người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh), số lượng con em đồng bào DTTS vì nhiều nguyên nhân mà bỏ học vẫn còn khá nhiều và rất cần được giúp đỡ để duy trì việc học.

Toàn tỉnh hiện có 14 nhà văn hóa dân tộc. Địa điểm tọa lạc của những cơ sở này nằm trong các khu vực tập trung đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm trong việc giúp đồng bào phục dựng và tổ chức các lễ hội thường niên; sưu tầm, mua sắm các hiện vật là vật dụng sinh hoạt của đồng bào DTTS để trưng bày, quảng bá văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS trong tỉnh. Đồng thời, nhiều đơn vị giảng dạy văn hóa, đơn vị biểu diễn nghệ thuật trong cũng như ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, tập huấn về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào…

Song theo người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) Trần Văn Lý, có một thực tế là con em đồng bào ngại sinh hoạt, ngại nói về dân tộc mình. Do vậy, việc tìm kiếm thế hệ kế cận có nhưng không nhiều. Nhiều thanh niên không hiểu hết hoặc hiểu rất ít về văn hóa trong đó có trang phục, tập quán… của chính dân tộc mình. Đây là điều những người đại diện cho đồng bào như ông rất trăn trở.

* 571 tỷ đồng, 10 dự án phát triển vùng DTTS

Để tiếp tục kéo giảm khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.

Theo đó, sẽ có 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn được tỉnh bố trí để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS đuổi kịp mức sống bình quân của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có khoảng 27 ngàn lao động là người DTTS di cư, làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cụ thể, chương trình sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Chương trình cũng tập trung vào chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Mục tiêu được đề ra là trong năm 2024 sẽ giảm được 2% số hộ nghèo và cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS; xóa nhà tạm cho trên 35% hộ đồng bào DTTS nghèo; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và có điện thoại di động liên lạc; 70% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trên 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%…

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, giải quyết các vấn đề cấp bách, bức xúc nhất; ưu tiên hỗ trợ hỗ hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khó khăn khác. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị, năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh, phòng dân tộc các địa phương cần tìm ra những giải pháp, mô hình cụ thể trong triển khai công tác dân tộc gắn với một số nhiệm vụ trọng tâm. Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục nhân rộng những điển hình trong đồng bào DTTS. Khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Sông Thao - Thanh Nga

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản