Tin mới

Động viên người dân vùng DTTS và miền núi chủ động vươn lên thoát nghèo

(Mặt trận) -Thời gian qua, các hoạt động truyền thông về giảm nghèo được UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân; khuyến khích, động viên người nghèo, người cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Tận dụng các tiềm năng, lợi thế để phát triển

A Lưới là một huyện miền núi vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, có 80,683 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có 2 cửa khẩu quốc gia là A Đớt - Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và Hồng Vân - Cô Tài (tỉnh Salavan). Huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã (17 xã và 1 thị trấn).

 Lãnh đạo UBND huyện A Lưới kiểm tra mô hình trồng sâm bố chính trên địa bàn.

Huyện A Lưới có trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 14 xã, thị trấn, với chiều dài trên 100 km, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và thông thương hàng hóa. Ngoài ra, QL49 nối đường Hồ Chí Minh với QL1A, kết nối A Lưới với TP Huế và các huyện đồng bằng của tỉnh; cách QL9 - trục đường xuyên Á 60 km, có thể thông thương thuận lợi với các nước trong khu vực qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Đây là những lợi thế, tiềm năng lớn để huyện A Lưới phát triển kinh tế - xã hội.

Theo UBND huyện A Lưới, dân số toàn huyện tính đến năm 2022 ước khoảng 53.828 người, gồm 27 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chính là Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và Kinh. Người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 77,09% dân số toàn huyện. Cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 7.022 hộ nghèo chiếm 49,98%, trong đó hộ nghèo DTTS là 6.556 hộ chiếm 93,36%.

Thời gian qua, các hoạt động truyền thông về giảm nghèo được UBND huyện A Lưới thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân; khuyến khích, động viên người nghèo, người cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; nhiều mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả đã được tuyên truyền, nhân rộng giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Luới, các ban ngành, đoàn thể các cấp thông qua các cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... đã trở thành một phong trào sâu rộng trong nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo.

Người dân hưởng lợi từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Sau 3 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), huyện A Lưới đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể: Hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc; Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm thực hiện; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.

Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện tăng khá; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể; Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư; chăm sóc y tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện cả về lượng và chất. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều xã đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh - sáng - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã được quan tâm củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng phát huy hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo số liệu thống kê, đầu năm 2022, toàn huyện A Lưới có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98%; hộ cận nghèo: 2.185 hộ, chiếm tỷ lệ 15,55%. Kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo cuối năm 2022 còn lại 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2 % (giảm 11,78 % và 1.623 hộ); hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70 % (giảm 0,85% và 107 hộ).

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS tại huyện A Lưới cuối năm 2021 là 52,79% (theo tiêu chí mới), đến đầu năm 2023 còn lại 40,71%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 25,34% (trung bình mỗi năm giảm trên 11%).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống nên điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người/năm còn thấp so với các huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, với việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các Nghị quyết, chính sách, đặc biệt là các CTMTQG đã giúp cho địa phương có những cơ hội, hướng đi để phát triển kinh tế, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho cán bộ và người dân các nội dung mới, yêu cầu mới của các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, của đồng bào các DTTS. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Thế Trung

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản