|
UBND tỉnh Gia Lai và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tặng bằng khen cho 75 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022 |
Những tấm gương “tốt đời-đẹp đạo”
Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, trưởng thôn Yôh, tín đồ đạo Tin Lành ở làng Alao là một tấm gương trẻ sống tốt đời đẹp đạo tiêu biểu tại địa phương. Với vai trò Trưởng thôn, anh từng bước tuyên truyền, vận động người dân tin, nghe theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trước đây, đã có một thời, đa số là đồng bào Ba Na ở làng Alao nghe theo tà đạo Hà Mòn (lợi dụng hoạt động tôn giáo để lồng ghép âm mưu chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc). Trước tình trạng đó, Trưởng thôn Yôh đã phối hợp cùng với già làng, Người có uy tín trong cộng đồng thường xuyên đến tận nhà, tận rẫy tuyên truyền, vận động người thân của các đối tượng kêu gọi họ loại bỏ tà đạo, trở về với cộng đồng.
Trưởng thôn Yôh cho biết: “Đối với dân làng mình phải ra sức thuyết phục, vì họ đã tin theo tà đạo nên mình phải từng bước giải thích cặn kẽ. Muốn người dân nghe, dân tin mình phải làm gương để người dân học tập. Qua một thời gian tuyên truyền vận động, người tin theo tà đạo mới hiểu được đó là điều sai trái và từ bỏ tà đạo, về lại địa phương để làm ăn, phát triển kinh tế”.
“Đồng thời, để góp phần làm tăng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mình cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp làng để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Kịp thời phản ánh, tham mưu cho UBND xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong làng. Trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc của bà con. Đến nay, làng Alao đã không còn người nào tin theo tà đạo, mọi người tu chí làm ăn, phát triển kinh tế.”, trưởng thôn Yôh cho biết thêm.
|
Trưởng thôn Yôh (bên phải) là một tấm gương sống tốt đời đẹp đạo của làng A Lao (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai) |
Ngoài những tấm gương giỏi tuyên truyền, vận động như trưởng thôn Yôh, trong công cuộc phát triển kinh tế hướng đến xóa đói giảm nghèo, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tấm gương phát triển kinh tế giỏi, vươn lên từ khó khăn. Tiêu biểu như ông Hnhrao, giáo dân tiêu biểu làng Kon Rơng Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa). Từ chỗ thoát nghèo, đến nay, gia đình ông hiện có 6 sào lúa ruộng, 2 ha keo lao, 4 con trâu và 10 con heo thịt. Ngoài ra, ông còn phối hợp với Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên vận động và hướng dẫn 30 hộ dân tại làng trồng 30 ha keo lai, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn. Tương tự, Ông Ra Lan Yơk, Trưởng ban chức việc giáo xứ Phao Lô, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cũng có thu nhập 170 triệu đồng/năm từ diện tích 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước, 3 sào mỳ (sắn)…
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Công giáo trên toàn tỉnh Gia Lai cũng thực hiện rất tốt các phong trào như Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào đoàn kết xây dựng trật tự xã hội; Phong trào đoàn kết đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-y tế; Phong trào đoàn kết bảo vệ môi trường; Phong trào đoàn kết thực hiện chương trình dân số; Phong trào đoàn kết thực hiện nghĩa vụ công dân; Phong trào đoàn kết đẹp trong bác ái yêu thương; Phong trào đoàn kết đẹp trong nếp sống đạo.
Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc
Phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo. Tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, phát huy tinh thần bác ái, yêu thương bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất, học tập,… Triển khai sâu rộng trong đồng bào Công giáo nội dung các phong trào thi đua. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững,... Chú trọng thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.
|
Thời gian qua, đồng bào Công giáo đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển vững mạnh |
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2017- 2022), bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Phát huy những thành quả đã đạt được, tôi mong muốn rằng trong thời gian đến với vai trò và uy tín của mình, quý vị chức sắc, chức việc, tu sỹ và giáo dân tiêu biểu sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.
“Đồng thời, phấn đấu ngày càng có nhiều giáo xứ, quý chức sắc, chức việc, nam nữ tu sỹ, giáo dân trên địa bàn tỉnh là những gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Tiếp tục vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, thực hiện đường hướng của giáo hội “sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và chỉ dẫn của Giáo hoàng “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 46%. Có 5 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Baha’i. Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng số tín đồ trên địa bàn tỉnh là 417.710 người, chiếm 28% dân số toàn tỉnh.
Thuỳ Dung - Tuấn Anh