Tin mới

Gia Lai: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với xây dựng làng nông thôn mới

(Mặt trận) -Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Gia Lai đã từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức và cách làm của người dân các làng. Điều này cũng góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo thôn, làng theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào DTTS.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Siu Trung, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đều ban hành các văn bản hướng dẫn đối với Mặt trận cơ sở về thực hiện các tiêu chí cuộc vận động; phối hợp với các tổ chức thành viên chủ động lựa chọn những phần việc để xây dựng làng NTM. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, vận động có vai trò quan trọng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khuyến khích Mặt trận cơ sở linh hoạt, đa dạng các hình thức.

Ông Quản Văn Duẩn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, bìa trái) trao đổi với các Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, làng.

Bà Đinh Thị Byer-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) cho hay: Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp của làng, các buổi sinh hoạt chi hội đoàn thể. Đến nay, 100% hộ dân đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở, 90% hộ dân đào hố rác trong vườn. Nhận thức của người dân trong tổ chức ma chay, cưới hỏi cũng thay đổi; trước đây thường kéo dài vài ngày thì giờ chỉ còn 1-2 ngày. Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã ra mắt mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại làng với 30 hội viên phụ nữ tham gia. Hy vọng mô hình sẽ góp phần hình thành thói quen tốt cho hội viên trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và có thêm nhiều hộ thực hiện tiêu chí xây dựng nhà vệ sinh.

Cũng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ban công tác Mặt trận thôn, làng với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân các làng đồng bào DTTS trên địa bàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) ngày càng nâng cao. Ông Quản Văn Duẩn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Hưng-cho biết: Xã có 13 thôn, làng, trong đó có 5 làng DTTS. Đến nay, 1/5 làng đã được công nhận đạt chuẩn NTM; các tuyến đường tại làng cơ bản cứng hóa; 90% hộ dân tại các làng đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở.

Song song với tuyên truyền, vận động, Mặt trận các cấp tập trung khảo sát, xây dựng các mô hình, tạo sự lan tỏa trong thực hiện cuộc vận động ở khu dân cư, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12. Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lồng ghép từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, Quỹ Cứu trợ tỉnh và nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương hỗ trợ các hộ nghèo đồng bào DTTS thực hiện 12 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã chủ động khảo sát, xây dựng các mô hình phù hợp, như: “Trồng chuối ghép mô”, “Không có người tự tử”, “Điện thắp sáng” ở huyện Kbang; “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn” ở huyện Phú Thiện; “Canh tác dưới tán rừng”, “Nuôi dê, dúi thương phẩm, vườn ươm bời lời” ở huyện Đak Đoa...

 Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Ông Đỗ Xuân Ưa-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện cho hay: Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với Chỉ thị số 12, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện đã tham gia vận động người dân hiến trên 11.000 m2 đất và gần 80.000 ngày công lao động để sửa chữa, di dời nhà cửa, làm đường giao thông...; vận động 612 hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn; xây dựng mới 385 nhà vệ sinh, nhà tắm và vận động người dân phát triển kinh tế, làm vườn rau; hỗ trợ các hộ khó khăn di dời chuồng trại, tham gia mua bể chứa rác thải, cam kết bảo vệ môi trường. Đến nay, huyện có 14 làng đạt chuẩn NTM.

Trao đổi về hiệu quả trong triển khai cuộc vận động gắn với thực hiện Chỉ thị số 12, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Siu Trung nhấn mạnh: “Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ, lựa chọn tiêu chí phù hợp để triển khai thực hiện. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả cụ thể với từng nội dung của cuộc vận động cũng như từng tiêu chí trong xây dựng làng NTM; góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Khối đại đoàn kết toàn dân theo đó ngày càng được củng cố, tăng cường”.

PHƯƠNG DUNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản