Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh Gia Lai không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm… Đó là kết quả của sự thống nhất từ ý chí đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của từng cá nhân, hộ gia đình.
Động lực vươn lên thoát nghèo
Là địa phương còn nhiều khó khăn của thị xã An Khê, xã Tú An hiện có hơn 1.300 hộ với hơn 5.500 khẩu. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, Đảng ủy, chính quyền xã đã chú trọng triển khai công tác an sinh xã hội, vận động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo... Anh Đinh Mên bộc bạch: thông qua kênh Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, một số tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng xây dựng nhà mới, tặng heo giống, hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, gia đình đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Cũng như gia đình anh Đinh Mên, sau 2 năm được hỗ trợ bò sinh sản, 8/10 hộ dân ở buôn Dù (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) đã vươn lên thoát nghèo. Anh Rah Lan Hoa chia sẻ: trước đây, không có đất sản xuất nên anh phải làm thuê, làm mướn đủ nghề. Tiền làm thuê cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, mỗi khi con cái đau ốm, anh đều phải vay mượn người thân, họ hàng. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hỗ trợ gia đình 1 con bò giống. “Hiện, con bò đã sinh được 2 con bê. Vợ chồng tôi cũng dành dụm, tích góp mua thêm được 3 con bò và không còn nghèo nữa”, anh Hoa tâm sự.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Nay Thút ở xã Uar (huyện Krông Pa) cũng không giấu nổi niềm vui vừa được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để phát triển kinh tế. “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, khi bò sinh sản sẽ để lại gây đàn. Đây là động lực để gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo”, bà Nay Thút cho biết… Còn anh Ksor Rốt thì chia sẻ: được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình vay được 30 triệu đồng mua bò, mua thêm rẫy để làm. Hiện, mỗi năm gia đình thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi và làm khoai mỳ. Cuộc sống đã ổn định, không còn đói nghèo nữa.
Chủ tịch UBND xã Uar Nguyễn Đức Nguyên cho biết, tính đến cuối năm 2021, xã còn 62 hộ nghèo (chiếm 5,59%), 137 hộ cận nghèo (chiếm 12,4%), giảm 27 hộ nghèo so với năm 2020… “Đặc biệt, cuối năm 2021, UBND xã nhận được đơn xin thoát nghèo của gia đình chị Tạ Thị Vui (thôn Thanh Bình). Điều này cho thấy, người dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông cho biết thêm.
Chia sẻ về việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, chị Tạ Thị Vui bày tỏ: hiện, gia đình có 2ha khoai mỳ và nuôi dê, gà. Thời gian rảnh, vợ chồng tôi lại đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại suất hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn.
|
Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững ở Gia Lai |
Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3,15%/năm
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Gia Lai đã ban hành các nghị quyết chuyên đề triển khai công tác giảm nghèo. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chỉ thị triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương đã tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, hộ nghèo, cận nghèo và làng, xã đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Rcom Sa Duyên cho biết: giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã đầu tư hơn 1.271 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ này, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo được triển khai như: tổ chức đào tạo nghề cho 48.937 lao động; hỗ trợ chuyển đổi các mô hình phát triển sản xuất cho hơn 2.300 hộ nghèo; huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 682 hộ nghèo, cận nghèo…
Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) Võ Thị Thúy Vân chia sẻ: xã hết sức quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với Ban Nhân dân các thôn, buôn chủ động cụ thể hóa kế hoạch, vùng sản xuất; rà soát, tổng hợp nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân... Từ đó, đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và từng hộ gia đình.
Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai trên phạm vi cả nước, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; huy động mọi nguồn lực, tập trung kinh phí triển khai nhiều chương trình, dự án, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo đó, nhiều mục tiêu đề ra đã hoàn thành, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch qua từng năm, nhất là chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung và giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai giảm 15,75%, bình quân giảm hơn 3,15%/năm (vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra). Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 14.943 hộ nghèo (chiếm 3,96%); đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 40,18% (năm 2015) xuống còn 8,18% (năm 2021), bình quân giảm hơn 5,33%/năm... Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm.
Diệp Anh