Tin mới

Giải pháp nhằm phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí đặc biệt, có tính rất đặc thù. Cốt lõi của đoàn kết là phải có chính sách đúng đắn và sự tôn trọng thực chất. Đoàn kết các tôn giáo cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tập hợp, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện 43 tôn giáo ký kết và triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026, tháng 11/2022. Ảnh Ngọc Hằng 
Những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, nguồn lực của các tôn giáo cần được phát huy

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: phải kế thừa những giá trị nhân bản của tôn giáo, tranh thủ các giáo sĩ quan tâm đến giáo dân; không chỉ đoàn kết những người có đạo và không có đạo mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Người nói: "Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha"; "Đức Giê su hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc"...; "Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng". Vì vậy "Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào Lương và các đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc". Bác Hồ đã nhận ra sự tương đồng giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, sự tương đồng giữa người có đạo với người không có đạo. Suy cho cùng, mọi tôn giáo chân chính đều đưa ra một mô hình xã hội tốt đẹp. Người viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta là hiện thân của sự kết hợp hài hoà những điều tốt đẹp nhất của con người “trần thế” với những giá trị của các tôn giáo.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đồng thời, Tổng kết hơn 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Theo tinh thần này, có thể khái quát hệ giá trị văn hóa Việt Nam là: Dân tộc; Nhân văn; Dân chủ và Khoa học. Hiện nay, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để quản lý đất nước theo Hiến pháp và pháp luật là một nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài. Bên cạnh pháp luật, Đảng, Nhà nước rất đề cao đạo đức, đây cũng là tiêu chí của một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Xã hội muốn ổn định phải có niềm tin, xã hội muốn phát triển phải có khoa học. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng con người. Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa động lực của sự phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa; có tinh thần quốc tế chân chính. Như vậy, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Việt Nam ta là quốc gia đa tôn giáo, với 27% đồng bào các tôn giáo và trên 90% đồng bào có tín ngưỡng. 43 tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận đều có đường hướng hành đạo hướng thiện, hài hòa, vì con người, lấy cứu giúp con người làm phương châm hành đạo. Phát huy truyền thống yêu thương, đùm bọc của dân tộc ta, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, nhất là đối với những người nghèo, người yếu thế, kém may mắn, khuyết tật, bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; truyền thống tri ân, hiếu nghĩa, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sỹ, người có công với nước, với làng; tính trung thực, liêm chính, từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, coi trọng đạo lý, giá trị tinh thần hơn vật chất; mỗi người phải tự rèn luyện, lao động, học tập thì điều may mắn sẽ đến, phải có tuệ mới thanh thản, bình tĩnh, sáng suốt trong cuộc sống… Đây là những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp và là nguồn lực to lớn của các tôn giáo thấm đượm bản sắc dân tộc Việt Nam cần được phát huy.

Quang cảnh Hội nghị ký kết và triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026, tháng 11/2022

Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc là phương thức tốt nhất để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước

Để thực hiện được nhiệm vụ này xuất phát từ chính vị trí, vai trò, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với nhiệm vụ được quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động. Theo đó, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tự nguyện tham gia làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tự nguyện thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động vì mục tiêu chung là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thời kỳ đổi mới, chủ trương, quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở các văn bản: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 37 CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25 NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX Về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển của đất nước”.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo là nhất quán, có sự kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử, trong giai đoạn hiện nay được thể hiện ở các quan điểm cơ bản: (1) Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của mọi người, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (2) Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị; (3) Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước; (4) Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (5) Các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Theo Điều 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định rõ 5 trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tôn giáo. Như vậy, đoàn kết các tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc là thực hiện đúng phương châm, quan điểm của Đảng, có cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý. Thực tiễn hoạt động của Mặt trận những năm qua đã chứng minh, thể hiện:

Tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Để tăng cường động viên, tập hợp đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng nội dung, hình thức phù hợp, hằng năm, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành chương trình phối hợp thống nhất hành động, các tổ chức tôn giáo là thành viên có các hình thức phù hợp triển khai trong tổ chức tôn giáo mình. Những giá trị tốt đẹp “ích nước, lợi nhà”, “tốt đời, đẹp đạo” qua 5 chương trình hành động của Mặt trận được các tôn giáo đưa vào hiến chương, điều lệ. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các hướng dẫn Mặt trận, đoàn thể các cấp giúp các tôn giáo với tư cách là thành viên của Mặt trận nhân dịp Đại lễ Phật đản cũng như Giáng sinh, các ngày lễ trọng của các tôn giáo thể hiện sự tôn trọng và đồng hành; phối hợp, giúp đỡ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tổ chức tốt Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2022 - 2027 và Đại hội Ủy ban đoàn kết công giáo các địa phương. Thăm hỏi, động viên, chúc mừng chức sắc, chức việc và đồng bào các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Cao Đài...) nhân dịp lễ trọng.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thăm, làm việc và vận động với Giám mục; làm việc với các tổ chức tôn giáo về việc giới thiệu nhân sự tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX; rà soát, đánh giá, giới thiệu 60 vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch khóa IX. Việc vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành tiêu biểu các tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 ở cấp tỉnh, huyện, xã đều tăng hơn so với nhiệm kỳ 2014 - 2019. Số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2019 - 2024, tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh là 744 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 582 vị, tín đồ là 162 vị); Ở cấp huyện, tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện là 4.255 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 2.953 vị, tín đồ là 1302 vị); Ở cấp xã, tổng số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là 28.015 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 13.229 vị, tín đồ là 14.786 vị). Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, chức sắc 5 vị, trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, chức sắc là 87 vị.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận với một số tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan có liên quan trong công tác tôn giáo được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Triển khai các hoạt động trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng bào các tôn giáo; vận động treo cờ Tổ quốc tại cơ sở thờ tự; tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dịp ngày 18/11 tại các khu dân cư trong cả nước, thực sự là ngày hội biểu dương sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn lên của mỗi người dân, mỗi khu dân cư, trong đó nhiều khu dân cư có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo cùng nhau sinh sống. Nhiều tổ chức thành viên đã có các hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú trong đoàn viên, hội viên các tầng lớp nhân dân, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, góp phần cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước giữ vững ổn định, củng cố niềm tin, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuyên truyền, vận động các tôn giáo thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước

Thực hiện Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT, ngày 28/12/2015 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Thông tri số 10/TTr-MTTW-BTT, ngày 8/7/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 7/10/2016 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ về việc thực hiện “Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, tham gia hiến đất, góp công, góp tiền xây dựng cầu, đường bê tông, công trình dân sinh, làm nhà ở cho người nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức phát động và vận động hội viên, đoàn viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng gia đình, làng, xã văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, hạn chế đốt vàng mã; phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông; vệ sinh môi trường nông thôn, tham gia bảo vệ rừng, cải tạo cảnh quan đô thị thông qua các câu lạc bộ, mô hình… gắn với các phong trào thi đua của các tôn giáo như: Sống “Tốt đời, đẹp đạo”, là “Công dân tốt của Tổ quốc”, “Xây dựng xứ họ đạo bình yên”, “Nước vinh, Đạo sáng”, “Chùa cảnh tinh tiến”, “Phật tử hiếu nghĩa”… Đa số hội viên, đoàn viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Các cấp hội, đoàn, thường xuyên vận động các tổ chức tôn giáo, hội viên, đoàn viên hưởng ứng, thực hiện chủ trương về việc treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà ở trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của đất nước và của tôn giáo.

Các tôn giáo tích cực tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề; tham gia khám chữa bệnh, giáo dục mầm non, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo, cứu trợ. Tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tiếp tục nhân rộng mô hình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, thu gom, xử lý rác thải nhựa, túi nilon tại cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo,... Vận động Nhân dân từ bỏ các hủ tục, thói quen lạc hậu; vận động Nhân dân không theo các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo phản văn hóa, cực đoan, hoặc không tham gia hoạt động của một số tổ chức bất hợp pháp; ngăn chặn việc lợi dụng, kích động, chia rẽ của các thế lực xấu; phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng sự tin tường và tình đoàn kết gắn bó các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, các tôn giáo đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều chức sắc, tu sĩ đã khoác áo blouse tình nguyện vào tâm dịch, tuyên truyền hưởng hứng các biện pháp 5K, lan tỏa bữa cơm yêu thương, phần quà đoàn kết, siêu thị 0 đồng, tưởng niệm chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người mất do đại dịch... Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội.

Thông qua phong trào, nhiều vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã trở thành gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua được Nhà nước, Mặt trận và các ngành biểu dương, khen thưởng tại các hội nghị. Hàng năm, các tôn giáo đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo ở các cấp và các hoạt động an sinh xã hội.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo; thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng đồng bào tôn giáo, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, trong đó chú trọng tập hợp ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tôn giáo, cử tri, Nhân dân là chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo. Các báo cáo quý của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình và ý kiến của Nhân dân gửi Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước và Ban Bí thư Trung ương Đảng và báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội đều phản ánh đầy đủ, chân thực, kịp thời nguyện vọng, kiến nghị liên quan đến tôn giáo. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân, trong đó có ý kiến của chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo.

Sau khi triển khai thực hiện, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã đi vào cuộc sống, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được đảm bảo ngày càng tốt đẹp hơn; thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được điều chỉnh phù hợp hơn; mối quan hệ giữa Nhà nước, chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo gắn bó hơn; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ngày càng được đảm bảo, từng bước phát huy được nguồn lực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách pháp luật, phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Trong 5 năm qua, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội, tổ chức nhiều hội nghị góp ý kiến, trọng tâm là Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, một số quy định liên quan đến tôn giáo. Sau Hội nghị phản biện xã hội, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản gửi các cơ quan có dự thảo được phản biện. Kiến nghị phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện, góp ý được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng trong công tác tôn giáo.

Trên tinh thần đổi mới, từ cuối năm 2015 lần đầu tiên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với 34 tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở phía Nam và 23 tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở phía Bắc về các vấn đề mà tôn giáo quan tâm. Năm 2016, Ban Thường thực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa Phó Thủ tướng Chính phủ và năm 2017 là Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo. Năm 2019, ngày 9/8/2019 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Dân vận Trung ương gặp mặt, biểu dương chức sắc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại thành phố Đà Nẵng. Đến nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân và nhiều tỉnh, thành phố ban hành Quy chế tiếp thu ý kiến, phản hồi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, do vậy về cơ bản những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến công tác tôn giáo được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Qua giám sát, phản biện xã hội, thông qua các hoạt động của Mặt trận, đoàn thể đã kịp thời kiến nghị nhiều nội dung cụ thể, thể chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đồng bào các tôn giáo, thể chế chính sách về đất đai tôn giáo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách giúp các tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, các giá trị đạo đức,văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo bước đầu được phát huy.

 

Một số giải pháp tăng cường đoàn kết các tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo

Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong các tôn giáo

Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp và phát huy vai trò của các tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc quán triệt và triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, bảo đảm các tôn giáo hoạt động theo pháp luật, hiến chương, điều lệ, kính ngưỡng, phụng pháp, nghiêm trang giới luật, phục vụ Nhân dân. Quan tâm vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia Mặt trận, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan dân cử các cấp với số lượng và cơ cấu phù hợp.

Đổi mới, tăng cường tuyên truyền, vận động

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, sáng tạo thực hiện tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động trong công tác tôn giáo. Cần tập trung khắc phục một số hạn chế, tồn tại như: còn mặc cảm, thiếu sâu sát, gần gũi tìm hiểu, chia sẻ với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành; việc phát hiện và tham mưu giải quyết những phát sinh từ cơ sở, các điểm phức tạp, hiện tượng tôn giáo mới, lạ; các khiếu nại của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; trao đổi thông tin, báo cáo trong công tác chuyên môn liên quan chưa được thường xuyên. Tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc, đoàn viên, hội viên có đạo và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc.

Sử dụng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với chức sắc, chức việc, hội viên, đoàn viên là tín đồ các tôn giáo, tập hợp đoàn kết tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. Tăng cường vận động các chức sắc, chức việc, người uy tín, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt đường hướng hành đạo tiến bộ, giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần không để phát sinh những điểm nóng, điểm phức tạp mới liên quan đến vấn đề tôn giáo tại các địa phương; tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng tôn giáo sống hòa thuận, đoàn kết.

Tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo

Vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung vận động các tôn giáo tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, bảo trợ xã hội, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở các địa phương với hiệu quả thiết thực và đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuyên truyền, vận động, giám sát các dự án về chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo. Định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong tôn giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo; rà soát, tham gia nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đoàn viên là tín đồ các tôn giáo. Thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của tín đồ, các chức sắc tôn giáo; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm nảy sinh trong sinh hoạt và hoạt động của tôn giáo để phản ánh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời. Phối hợp với chính quyền tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực.

Thường xuyên giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương cơ sở. Tích cực tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo các dự án, kế hoạch, chương trình kinh tế - xã hội liên quan đến công tác tôn giáo. Nghiên cứu lựa chọn nội dung cần thiết và phù hợp để đưa vào Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hàng năm.

Tiếp tục đề xuất hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách pháp luật liên quan nhằm phát huy tốt vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa: Y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đấu tranh kiên quyết đối với hành vi lợi dụng tôn giáo; ứng xử với hiện tượng tôn giáo mới; chính sách cụ thể để phát huy vai trò người tiêu biểu trong các tôn giáo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác vận động, tập hợp, đoàn kết tôn giáo

Tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ, công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách; công tác giám sát, phản biện xã hội; công tác vận động, tập hợp, đoàn kết tôn giáo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm đội ngũ cán bộ là người có đạo, nhất là ở vùng có đông đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia. Đổi mới và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các bộ, ngành, địa phương, giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Điều 4 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngô Sách Thực

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản