Tin mới

Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: Nhìn từ Si Ma Cai

(Mặt trận) -Cách làm của Si Ma Cai là khơi dậy tính tự giác, tích cực tham gia của người dân trong các chương trình giảm nghèo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tập thể để phong trào giảm nghèo phát triển sâu rộng, thực chất.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả

Huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, hiện có hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, La Chí, Cờ Lao, Phù Lá… Sống trên vùng đất có địa hình đá lớn, bị chia cắt mạnh, nguồn nước tưới hạn chế, nên từ xa xưa nghề chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa…) đã là nghề truyền thống, mang lại thu nhập chính cho đồng bào DTTS nơi đây.

Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã triển khai Nghị quyết 22 tập trung nguồn lực và tăng cường cán bộ, cùng với cơ chế, chính sách “đặc biệt” cho Si Ma Cai, huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh.Theo đó, huyện chọn hai con gia súc chủ lực là trâu và bò để xây dựng vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong huyện, đồng thời cung cấp thực phẩm sạch cho khu du lịch Sa Pa, TP. Lào Cai, các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu.

Ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết sau quá trình khảo sát, huyện đã lấy các xã Bản Mế, Sín Chéng, Cán Cấu, Nàn Sán, Mản Thẩn… có điều kiện tự nhiên phù hợp về khí hậu, kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn cỏ tự nhiên và đất đai rộng, để làm điểm phát triển chăn nuôi tập trung.

 Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân ở Si Ma Cai đã đầu tư phát triển kinh tế và thoát nghèo

Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực của địa phương về vốn vay, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cùng sự chủ động của các hộ sản xuất, mô hình chăn nuôi đại gia súc nhanh chóng cho thấy hiệu quả vượt trội, mở lối thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân. Tính đến cuối năm 2020, đã có trên 1.200 hộ nghèo và cận nghèo huyện Si Ma Cai được hỗ trợ trâu, bò sinh sản, tạo nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới cũng là lĩnh vực mũi nhọn được huyện Si Ma Cai chú trọng đầu tư, tập trung tại các xã nằm ở độ cao 1.200 - 1.600 m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm cao, với các loại cây chính gồm lê xanh, mận hậu, mận tím Tả Van…

Từ chương trình này đã giúp khai thác tối đa diện tích đất nương đồi của vùng cao để phát triển kinh tế lâu dài. Trong khuôn khổ Nghị quyết, nguồn kinh phí từ dự án sẽ hỗ trợ cây giống và phân vô cơ, hỗ trợ chăm sóc cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Phần đối ứng của nông dân là quỹ đất, công chăm sóc và phân chuồng bón lót, chăm sóc cây sau này. Lực lượng cán bộ nông nghiệp huyện Si Ma Cai trực tiếp hỗ trợ nông dân trồng đúng kỹ thuật. Nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng rau trái vụ, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng cây dược liệu, nuôi cá nước ngọt… đang được nhân rộng ra các thôn trong huyện. Đến nay, các xã đã có 695 ha mận Tả Van, lê Tai nung; hơn 100 ha đang được triển khai trồng cây dược liệu như thảo quả, tam thất, Sa nhân tím; 200 ha trồng rau trái vụ, Huyện đang xây dựng 2 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó là trồng rau, trong nhà lưới. Người dân đã đưa 100% giống ngô, lúa mới vào gieo trồng thay thế các loại giống cũ kém hiệu quả, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng/ha so với  mục tiêu nghị quyết. Sản lượng lương thực của huyện đạt 26.500 tấn.

Đổi thay trên vùng cao biên giới

Với nhiều cách làm sáng tạo, diện mạo nông nghiệp, nông thôn vùng cao Si Ma Cai đang có sự đổi thay rõ rệt. Người nông dân đã bước đầu mạnh dạn hơn trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhiều hộ đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chủ động nghiên cứu, tìm tòi để có thêm kiến thức bổ ích cho sản xuất, nuôi trồng của gia đình, tích cực tham gia các mô hình khuyến nông, khuyến lâm để có thêm kinh nghiệm ứng dụng vào phát triển kinh tế tại gia đình. Nhò vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 57% năm 2015 xuống còn 12,35% năm 2020.

 Người dân xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai dọn vệ sinh môi trường.

Công tác lao động giải quyết việc làm được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; thông qua việc triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo việc làm mới cho hơn 3.992 lao động nông thôn, bình quân 665 lao động/năm; tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đạt 37% (tăng 14% so với năm 2015). Đến nay 100% số hộ trên địa bàn huyện đã có nhà ở bán kiên cố, không còn nhà dột, nát. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư tương đối đồng bộ, cơ bản đảm bảo các điều kiện cho công tác dạy và học.Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, tuyên truyền, giám sát, kiểm soát dịch bệnh được triển khai tốt, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%, tình trạng sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn đã dần được khắc phục. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân hưởng ứng và thực hiện có chiều sâu; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 83,9%; có 55/59 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 93,2%; có 95,5% số cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa; 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được phủ sóng FM, sóng truyền hình. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống giao thông 100% đường liên xã, liên thôn đã được đầu tư cứng hóa….

Mai Anh

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản