Tin mới

Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bắt đầu từ “cách câu”

(Mặt trận) -Bù Gia Mập là huyện biên giới  của tỉnh Bình Phước có 37% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã tập trung mọi nguồn lực, tiếp sức các hộ nghèo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhờ vậy số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh hằng năm.

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Chú trọng giảm nghèo bền vững

Năm 2020, gia đình chị Thị Hương ở thôn Bù Cà Mau, xã Phú Nghĩa, được UBND huyện Bù Gia Mập hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà tình thương. Để có căn nhà khang trang hơn, gia đình chị góp thêm 30 triệu đồng, qua đó hoàn thiện thêm hệ thống điện, nước và công trình phụ. Có nhà ở ổn định là hạnh phúc rất lớn của gia đình chị nhưng kinh tế vẫn còn khó khăn. Cuối năm 2020, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ cặp bò sinh sản trị giá 40 triệu đồng, tạo thêm cơ hội cho gia đình chị phát triển kinh tế. Chị Hương cho biết: Hằng ngày, tôi tranh thủ cắt cỏ, chăm bò, nhận hạt điều về cạo vỏ lụa, còn chồng tích cực đi làm củi cho doanh nghiệp trong xã nên cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đầu năm học 2021-2022, con trai tôi học lớp 7, được nhà trường tặng điện thoại thông minh để học online tại nhà. Niềm vui nối tiếp khiến chị Hương rất hạnh phúc và tự hứa sẽ cố gắng chăm sóc đàn bò mau sinh sản, tiết kiệm chi tiêu để lo cho các con ăn học và sớm thoát nghèo, không phụ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

 Chị Thị Hương phấn khởi khi bò sinh sản được tặng đã sinh bê con, tạo động lực cho gia đình vươn lên thoát nghèo

Ông Điểu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Kế hoạch của xã giảm 11 hộ nghèo trong năm 2021. Để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, UBND xã thành lập đoàn đến từng hộ khảo sát. Căn cứ hoàn cảnh từng hộ, xã lập danh sách tham mưu huyện hỗ trợ phù hợp như: Xây nhà ở, tặng bò, dê sinh sản, công cụ lao động sản xuất, phương tiện đi lại, nghe nhìn... Qua khảo sát và đánh giá kết quả cho thấy, các chương trình được Nhà nước hỗ trợ đều được các hộ phát huy hiệu quả; nhiều bò, dê được hỗ trợ đã sinh sản, tăng đàn phát triển khỏe mạnh, không có trường hợp bán, thịt hoặc chết do bệnh tật. Sau khi được hỗ trợ, đa số các hộ đều bày tỏ khát vọng vươn lên thoát nghèo.

Trao “cần câu”…

Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, từ tháng 1-2019 đến ngày 15-10-2021, UBND tỉnh Bình Phước giao huyện Bù Gia Mập giảm 7,5% hộ nghèo, tương đương 1.645 hộ. Trong đó, 1.129 hộ nghèo DTTS trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh và 516 hộ theo chương trình của huyện. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 177,947 tỷ đồng. Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ để giảm 1.129 hộ là 104,146 tỷ đồng, phần còn lại huyện bố trí ngân sách và vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 9,86% (năm 2019) còn 5,75% vào cuối năm 2020, giảm 4,11% so với nghị quyết Huyện ủy và HĐND đề ra, vượt kế hoạch tỉnh giao. 

Đầu năm 2021, toàn huyện còn 1.160 hộ nghèo, chủ yếu là hộ DTTS. Trên cơ sở kế hoạch phải giảm 3,7% hộ nghèo, huyện tiếp tục khảo sát nhu cầu từng hộ, qua đó đồng loạt triển khai các chương trình phù hợp. Đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã thực hiện 366 nhu cầu của người dân, qua đó hỗ trợ 293 con bò, 49 con trâu, 11 con dê sinh sản, 13 heo nái với tổng kinh phí 14,64 tỷ đồng. Phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện triển khai chương trình hỗ trợ 197 máy phát cỏ, 20 máy cưa, 164 bình xịt với tổng kinh phí 1,905 tỷ đồng. Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh, xã hội hỗ trợ 191 gia đình khoan giếng với tổng kinh phí thực hiện 6,275 tỷ đồng.

Ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: Mục tiêu của giảm nghèo bền vững là hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân... Ở các xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo phải được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp họ phát huy nội lực vươn lên. Để đạt được điều đó, huyện xác định phải nâng cao ý thức người dân, thay đổi tư duy ỷ lại và chủ động vươn lên thoát nghèo. Huyện sẽ lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, thống nhất quan điểm Đảng, Nhà nước cho “cần câu”, còn người dân phải đi “câu cá”.

Thời gian qua, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình bị chậm tiến độ, nhất là việc vận động kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Tuy nhiên, các xã và phòng chuyên môn của huyện vẫn đang nỗ lực triển khai chương trình giảm nghèo với phương châm đúng, trúng, đủ đối tượng, thành phần, số lượng.

Quang Minh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản