Tin mới

Giáo dân sống tốt đời đẹp đạo!

(Mặt trận) -Trong năm qua, với phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mà còn đóng góp đáng kể vào các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Nỗ lực phát triển kinh tế

Xác định phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giáo dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới tư duy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thay thế diện tích cà phê già cỗi bằng giống cà phê mới có sức đề kháng, năng suất cao hoặc phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con, xây dựng mô hình trang trại, chăn nuôi quy mô lớn, kết hợp sản xuất với kinh doanh…

 Mặc dù dịch bệnh, song các nữ tu vẫn luôn cố gắng để duy trì Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo

Điển hình, gia đình ông Đậu Xuân Thủy, ở Giáo họ Vô Nhiễm (Cư Jút) với mô hình trồng hoa trong nhà lưới mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Lê Trung Thành, Giáo xứ Xuân Lộc, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) xây dựng 2 trại chăn nuôi heo, mỗi trại có quy mô 1.200 con và 2 trại nuôi gà có 40.000 con với doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Ruật, Giáo họ Giuse (Krông Nô) mở trang trại nuôi hơn 20.000 con gà, mang lại nguồn thu nhập cao.

Ông Nguyễn Tiến Hiệp, Giáo họ Xuân Trang (Đắk Mil) liên kết với doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại hơn 2 tỷ đồng để nuôi hơn 20.000 con gà. Ông Đinh Văn Bản, Giáo xứ Hương Sơn (Đắk Song) xây dựng 4 trại heo, thu nhập mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Ru, Giáo xứ Nghi Lập (Đắk Song) xây dựng trại nuôi heo 600 con, mỗi năm thu nhập 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Trung, Giáo xứ Phúc Bình (Cư Jút) với mô hình nuôi 5.000 con gà đẻ, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh chăm lo sản xuất, chăn nuôi, giáo dân còn đầu tư phát triển ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững tại các giáo xứ, giáo họ được thành lập như quỹ xóa đói giảm nghèo, tổ tương trợ vay vốn và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Một số hộ giáo dân ở các Giáo xứ Vinh An, Đức Hạnh, Vinh Hương, Phúc Lộc, Phúc Bình đã giúp các hộ nghèo vay hàng trăm triệu đồng không tính lãi để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.

Tích cực hoạt động nhân đạo

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song các giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân trong tỉnh vẫn luôn tích cực trong công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, khó khăn với số tiền 2,53 tỷ đồng và nhiều đồ dùng thiết yếu như chăn, mền, chiếu, quần áo cũ… Các Giáo xứ Vinh An, Xuân Hòa, Phúc lộc, Hòa An, Quảng Phúc đã sửa chữa nhà và xây được 4 nhà tình thương cho người nghèo trị giá 361 triệu đồng. Đoàn Thiện nguyện Ánh Nhung đã xây 3 căn nhà tình thương tại các huyện Tuy Đức, Đắk Song với tổng trị giá 200 triệu đồng…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Nông về việc tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, giáo dân trong tỉnh chung tay với nhiều hình thức để giúp đỡ khác nhau. Cụ thể, giáo dân đã quyên góp, ủng hộ 83 chuyến xe chở rau, củ, quả, lương thực thực phẩm và 120 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ  TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai trị giá hơn 2 tỷ đồng. Các Giáo xứ Vinh Hương, Bác Ái, Đoàn Thiện nguyện Ánh Nhung… còn tổ chức phát nước uống, đồ ăn và xăng miễn phí cho người dân về quê đi ngang qua địa bàn tỉnh, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, các giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân còn quyên góp tiền, lương thực thực phẩm để giúp đỡ người nghèo và những cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Giáo xứ Vinh Hương ủng hộ 60 triệu đồng. Giáo họ Phao Lô ủng hộ 10 triệu đồng. Dòng nữ tu Phao Lô (Đắk Glong) ủng hộ lương thực, thực phẩm trị giá 60 triệu đồng. Giáo xứ Vinh An ủng hộ 300 phần quà trị giá 60 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ khó khăn trong khu vực phong tỏa thôn Kẻ Động, xã Đức Minh (Đắk Mil).

Giáo họ Thánh Mẫu, Giáo xứ Phúc Lộc, Giáo xứ Phúc Bình (Cư Jút) tổ chức 4 "bếp ăn 0 đồng",  nấu 36.982 suất ăn trị giá trên 739 triệu đồng. Giáo xứ Xã Đoài (Đắk Mil) cung cấp 15.750 suất ăn cho 250 F1 đang cách ly tập trung. Dòng nữ tu Phao Lô (Đắk Glong) đã nấu cơm cho người cách ly trong khu cách ly tập trung của huyện vào ngày thứ 7 và Chủ nhật trị giá 40 triệu đồng. Hội các bà mẹ Giáo xứ Nghi Lập (Đắk Song) quyên góp được 25,5 triệu đồng để nấu 890 phần ăn phục vụ F1 cách ly tại huyện Đắk Song.

Mặc dù dịch bệnh phức tạp, song các bếp ăn tình thương tại các bệnh viện vẫn luôn đỏ lửa để phục vụ bệnh nhân nghèo. Trong đó, các nữ tu đóng một vai trò quan trọng, là người trực tiếp đảm nhận công việc nấu ăn, phân bổ các suất cơm cho bệnh nhân nghèo.

Hoàng Bảo

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản