Tin mới

Giáo họ tự quản về an ninh trật tự

(Mặt trận) -Trên địa bàn Hà Nội hiện có 42 thôn Công giáo toàn tòng thuộc 26 xã, thị trấn của 10 huyện. Qua 2 năm triển khai mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự”, đã có 149 tổ an ninh tự quản được thành lập, với 1.236 thành viên tham gia. Nhờ triển khai hiệu quả mô hình, đến nay tình hình an ninh trật tự tại các thôn Công giáo toàn tòng luôn bảo đảm, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Giáo họ không có tệ nạn xã hội

Huyện Hoài Đức có 2 thôn Cát Thuế và Mộc Hoàn là Công giáo toàn tòng (hầu hết gia đình theo Công giáo). Dù 2 thôn thuộc 2 giáo phận khác nhau là Hà Nội và Hưng Hóa, song bà con giáo dân luôn sống đoàn kết, yêu thương.

 

Ông Kiều Duy Hoàn, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Hoài Đức chia sẻ: “Trước đây ở Cát Thuế có 2 hộ tranh chấp đất đai rồi kiện nhau ra tòa án. Sau khi được linh mục xứ hòa giải, họ đã rút đơn kiện. Cùng với triển khai hiệu quả mô hình, nhờ sự động viên, chia sẻ kịp thời của các linh mục, đến nay tệ nạn xã hội tại đây được đẩy lùi”.

Là địa phương không có thôn Công giáo toàn tòng, song thị xã Sơn Tây lại là nơi thí điểm triển khai mô hình từ năm 2005 trước khi nhân rộng cả thành phố năm 2019. Thị xã Sơn Tây có 3/15 giáo họ thực hiện mô hình này. Trưởng ban Đoàn kết Công giáo thị xã Sơn Tây Bùi Bá Thắng thông tin, tại các giáo họ triển khai mô hình này đã không còn tụ điểm về tệ nạn xã hội. Đặc biệt, bà con lương, giáo sống hòa thuận, cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sống tốt đời, đẹp đạo.

Đánh giá cao ý nghĩa của mô hình trong việc góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, ông Nguyễn Văn Trọng, giáo dân giáo họ Đại Bằng (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) cho biết, đến nay trên địa bàn cơ bản không còn tệ nạn xã hội. Cùng với đó, bà con còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, không phân biệt tôn giáo để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội Đỗ Thị Thái cho biết, qua 2 năm thực hiện mô hình (giai đoạn 2019-2021), các tổ an ninh tự quản đã xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với nội quy, quy chế hoạt động của thôn. Việc triển khai mô hình đã khơi dậy sức mạnh, tiềm năng của đồng bào Công giáo trong tham gia bảo vệ an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn thực hiện mô hình với phong trào thi đua

Đầu tháng 11-2021 vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm triển khai mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” đối với các thôn Công giáo toàn tòng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021. Dịp này, 20 tập thể xứ, họ đạo và 20 cá nhân có thành tích đã được khen thưởng. Theo bà Đỗ Thị Thái, từ kết quả thực hiện cho thấy, việc tiếp tục nhân rộng mô hình là cần thiết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Bằng kiến nghị, thời gian tới cần có tập huấn về nghiệp vụ cho các tổ an ninh tự quản để họ làm tốt vai trò của mình trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương… Còn Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Thích cho rằng, cần nhân rộng mô hình trong các giáo xứ, giáo họ, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng như các phong trào thi đua của địa phương.

Linh mục Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các huyện có thôn Công giáo toàn tòng cần đẩy mạnh triển khai mô hình gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động do Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đối với các địa phương có đông đồng bào Công giáo thì có thể tham mưu ban, ngành chức năng phối hợp, tạo điều kiện triển khai mô hình nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tiếp tục triển khai mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” cần gắn với các phong trào thi đua yêu nước, trong đó huy động sự chung sức của bà con giáo dân vào công tác chống dịch. Đồng thời, động viên bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của Thủ đô.

Đinh Hiệp

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản