Tin mới

Góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống

(Mặt trận) -Những năm qua, cùng với việc chăm lo đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống thì đồng bào dân tộc Kơ Ho ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã có những cách làm cụ thể, ý nghĩa thiết thực để góp sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Đội chiêng xã Bảo Thuận tại Ngày hội giao lưu văn hóa cồng chiêng

Ở huyện Di Linh, từ nghệ nhân cồng chiêng đến một số người dân địa phương luôn nêu cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Một trong những điển hình trong công tác giữ gìn, bảo tồn phải kể đến già làng, nghệ nhân K’Tiếu ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc. Là người con của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên được tiếp cận với cồng chiêng từ thời niên thiếu và lớn lên trong tiếng cồng, tiếng chiêng nên cồng chiêng đã ngấm sâu vào máu thịt của già. Đến nay, nghệ nhân K’Tiếu không chỉ biết thành thạo các bài chiêng truyền thống của dân tộc Kơ Ho Sre, mà còn am hiểu về giá trị cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. 

Nghệ nhân K’Tiếu chia sẻ: Già có một tình yêu và đam mê với cồng chiêng rất lớn nên luôn ý thức cao trong việc bảo tồn và duy trì di sản văn hóa này. Và, khi được UBND xã mở các lớp truyền dạy, sử dụng cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tại địa phương, già đã hăng hái truyền đam mê của mình cho con cháu, để các thế hệ trẻ hiểu, trân trọng, yêu quý nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ đó có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy. “Đến nay, tôi đã truyền dạy cho trên 150 thanh, thiếu niên nam, nữ biết đánh thuần thục một số bài cồng chiêng thông dụng của đồng bào mình. Ngoài truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong xã, tôi còn tham gia truyền dạy cho các xã khác như Bảo Thuận, Tân Nghĩa...; tham gia giao lưu văn hóa cồng chiêng với các xã, huyện, thành phố do tỉnh tổ chức...” - nghệ nhân K’Tiếu nói. 

Tương tự, chị H’Ai ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Những năm qua, chị H’Ai được Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương xem là người truyền cảm hứng cho chị em và con cháu của mình biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc. Đến nay, chị H’Ai đã sưu tầm và thuộc khá nhiều bài hát thuộc các thể loại hát ru, dao duyên, đối đáp... với những nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, mẹ con, ca ngợi đất nước và lao động sản xuất. Giọng ca trầm ấm được chị H’Ai thể hiện một cách truyền cảm, mượt mà, sâu lắng, luôn để lại ấn tượng cho người nghe, giúp cho thế hệ trẻ càng hiểu hơn giá trị tinh thần về vốn văn hóa của dân tộc. Chị H’Ai cho biết: “Vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Kơ Ho nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung khá phong phú. Tùy theo sở trường của mỗi người mà mình có những cách làm cụ thể để góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tôi luôn tạo sự cảm hứng giúp con cháu yêu và đam mê với những làn điệu dân ca, những giá trị văn hóa truyền thống”.

Còn già K’Brịp, ông Moul Sơn và một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Di Linh cũng luôn được bà con và chính quyền địa phương dành nhiều tình cảm trân trọng. Bởi trong thời buổi hội nhập, theo nhịp sống hiện đại, khi nhiều hộ đồng bào trong huyện đã phá bỏ nhà sàn truyền thống để đầu tư xây dựng những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang thì một số ít đồng bào thị trấn Di Linh vẫn giữ được nếp nhà dài xưa, một biểu tượng văn hóa của dân tộc Kơ Ho. Ông Moul Sơn ở tổ dân phố Di Linh Thượng 1, thị trấn Di Linh chia sẻ: Do nhiều yếu tố khác nhau nên nhà dài truyền thống trên địa bàn huyện Di Linh đã bị mai một rất nhanh và công tác bảo tồn cũng gặp nhiều khó khăn. “Để giữ được ngôi nhà sàn như hôm nay, gia đình tôi xác định đây là tài sản của ông bà tổ tiên để lại, là bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức rằng mình nên trân trọng, bảo tồn bởi nó đã tồn tại và gắn bó với các thế hệ cha ông, đây cũng là nơi đã từng diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc” - ông Moul Sơn tâm sự. 

Có thể nói, bằng những cách làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực của các già làng, nghệ nhân như: già K’ iếu, già K’Brịp, ông Moul Sơn và chị H’Ai... hy vọng rằng đồng bào càng ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản địa Tây Nguyên của cộng đồng dân tộc Kơ Ho tại huyện Di Linh, góp phần làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào càng thêm phong phú và sinh động.

Lam Phương 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản