Tin mới

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

(Mặt trận) -Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 34,4% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông có nguy cơ mai một, tỉnh ta đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Thi dệt vải Lanh tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023

Người Mông gồm 4 nhánh: Mông trắng, Mông xanh, Mông đen và Mông hoa, sinh sống chủ yếu tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần và rải rác ở hầu khắp các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh. Nền văn hóa của người Mông rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập cùng sự phát triển về đời sống kinh tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông đứng trước nguy cơ mai một. Không ít người theo tín ngưỡng mới; sự xâm nhập, tác động của các tôn giáo, đạo trái pháp luật làm ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa truyền thống của người Mông. Hơn nữa, nhiều hủ tục còn tồn tại, cản trở việc xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào Mông như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chưa đưa người chết vào áo quan...

Trước thực tế trên, ngày 21.4.2017, Tỉnh ủy ban hành Đề án 09 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Đề án 09, các cấp, ngành đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của đồng bào Mông; vận động người Mông giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống; tổ chức các cuộc thi dệt vải Lanh, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông (cấp huyện); đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông vào giảng dạy cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giúp các em hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương còn phát huy tốt vai trò của 190 hội nghệ nhân dân gian (NNDG) trong công tác truyền dạy các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng. Thông qua sự hoạt động nhiệt huyết, trách nhiệm của các NNDG đã góp phần tô đẹp tín ngưỡng dân gian, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và “sống lại” nghề truyền thống của đồng bào Mông như: Nghề mộc tại xã Niêm Tòng (Mèo Vạc); đúc lưỡi cày tại xã Chiến Phố, Tả Sử Choóng, chế tác nhạc cụ dân tộc Mông tại xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì)...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) dân tộc Mông. Việc phát triển các làng VHDLCĐ không chỉ góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, làm say lòng du khách. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Các làng VHDLCĐ đều khai thác hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch đạt từ 70 – 100 triệu đồng/năm; nhiều hộ ở làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) hay thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống có đồng bào Mông tham gia, chiếm 25,6% trên tổng số làng nghề. Các làng nghề thu hút gần 560 hộ đồng bào Mông tham gia, tạo việc làm ổn định cho hơn 800 lao động và trên 1.300 lao động thời vụ với thu nhập trung bình từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, có 4 làng nghề thành lập được hợp tác xã để dẫn dắt hoạt động sản xuất gồm: Làng nghề thêu, dệt vải Lanh Lùng Tám; Làng nghề nấu rượu ngô Thanh Vân (Quản Bạ); Làng nghề may mặc trang phục dân tộc Mông và Làng nghề rượu ngô men lá dân tộc Mông (Đồng Văn).

Thực hiện Đề án 09, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã xây dựng kế hoạch chi tiết phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mông trước nguy cơ mai một như: Lễ hội Gầu Tào (huyện Yên Minh, Đồng Văn), nghề dệt Lanh (huyện Quản Bạ), tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ). Đồng thời, mở các lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác khèn, kỹ năng thổi và múa khèn Mông tại các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần... Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa của cơ quan chuyên môn: Tỉnh ta đã kiểm kê được 29 di sản văn hóa dân tộc Mông, lập hồ sơ đề nghị đưa 4 di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Gầu Tào, nghệ thuật Khèn, kỹ thuật trồng Lanh và dệt vải Lanh, tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá...

Thực tế cho thấy, việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị đặc trưng văn hóa dân tộc Mông đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp có nguy cơ mai một, thất truyền. Không những vậy, một số nét văn hóa đặc trưng dân tộc Mông được bảo tồn, coi trọng đã tác động lớn đến hệ tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào Mông trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa; đồng thời là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

 THÙY PHƯƠNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản