Tin mới

Hiệu quả từ thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng

(Mặt trận) - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị của tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chính sách dân tộc khác, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các phum sóc vùng đồng bào dân tộc được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện; qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển toàn diện.

Bạc Liêu:Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

Động lực thoát nghèo bền vững ở Bắc Trà My

Phú Yên: Phát huy vai trò người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thu hoạch lúa. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN 
Đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình là gần 479 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh huy động sự ủng hộ, đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, cộng đồng được trên 41 tỷ đồng.

Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đã giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, tìm được việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo. Các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2016, toàn tỉnh có gần 58 nghìn hộ nghèo (chiếm khoảng 18% số hộ), trong đó số hộ dân tộc Khmer là gần 27 nghìn hộ. Đến cuối năm 2019, số hộ nghèo còn khoảng 16 nghìn hộ (chiếm trên 4,9%), trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer còn 7.600 hộ. Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tham gia tăng thu nhập. Đáng chú ý là mô hình nuôi bò sữa, nuôi dê, trồng màu…, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer xóa đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng, với đặc thù là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc Khmer, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và sâu sát trong công tác chỉ đạo, định hướng đến việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2016-2020, nhiều công trình như điện, đường, trường học, trạm y tế... khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp cho người dân trong vùng dự án được thụ hưởng chương trình, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đáp ứng một phần nhu cầu về sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân.

Các dự án khi triển khai thực hiện giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các dự án cũng góp phần vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, đóng góp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, trong buổi làm việc và kiểm tra tại tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, Sóc Trăng đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; đạt được hiệu quả lớn trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo hoặc dịch chuyển sang hộ cận nghèo nhằm đạt tiêu chí của nông thôn mới, Sóc Trăng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo; quan tâm, sâu sát trong công tác chỉ đạo thoát nghèo bền vững, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

Bộ đội biên phòng Sóc Trăng cùng các lực lượng phối hợp khám bệnh, phát thuốc cho người dân nghèo dân tộc thiểu số vùng ven biển. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN 

Điểm sáng thị xã ven biển Vĩnh Châu

Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất của tỉnh Sóc Trăng, với gần 53% dân số toàn thị xã. Bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay ủng hộ từ phía người dân trong việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư trên địa bàn, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện, nâng lên.

Đến với Vĩnh Tân, một trong những địa phương sớm được công nhận nông thôn mới trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, câu chuyện giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình của chính quyền địa phương luôn được người dân nơi đây nhắc đến. Hiệu quả từ việc giảm nhanh số hộ nghèo, tăng số hộ khá giả, đa dạng trong sinh kế không chỉ giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống mà còn tác động tích cực đến cách làm, suy nghĩ và hành động của đồng bào trong việc chung tay cùng chính quyền thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân Phan Thanh Nhã cho biết, Đảng bộ và chính quyền xã Vĩnh Tân luôn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phù hợp với yêu cầu thiết thực của người dân. Cụ thể, Vĩnh Tân tích cực nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận các chính sách, nguồn lực để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ông Kim Sà Rath ở ấp Trà Vôn (xã Vĩnh Tân) chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân có điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất. Nhà nào nghèo được hỗ trợ về nhà ở; con em đồng bào dân tộc được đi học miễn phí. Hộ dân tộc có thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí. Đường sá đẹp đẽ, đi lại rất thuận tiện, buôn bán dễ dàng hơn. Nếu so với hàng chục năm trước, phum sóc Khmer ở các vùng sâu, vùng xa đã chuyển mình phát triển lên rất nhiều".

Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Sơn Ngọc Thạch cho biết, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn thị xã thời gian qua đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Giai đoạn 2016-2020, thị xã Vĩnh Châu đã hỗ trợ trên 26 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, vốn vay sản xuất… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã chỉ còn 9,5%. Tất cả xã, phường vùng đồng bào dân tộc có đường ô tô đến trung tâm xã và có trường lớp học kiên cố. Trên 99% được phủ kín điện lưới quốc gia. Trên 90% hộ đồng bào dân tộc được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Thông qua các chính sách đầu tư đã có tác động lớn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy. Kỹ năng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân ngày càng phát huy tính hiệu quả cao, chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản