Tin mới

Hỗ trợ sinh kế, xây dựng phum sóc ngày càng phát triển

(Mặt trận) -Những năm qua, các địa phương nơi có đông bà con Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Khmer hàng năm đều giảm và tích cực đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng quê hương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên

Qua quán triệt, triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer khắp nơi trong tỉnh Bạc Liêu đều hiểu và tích cực lao động sản xuất, chí thú làm ăn, mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Khi được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, bà còn đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng tận dụng nhiều nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, bộ mặt phum sóc ngày càng khởi sắc, việc vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế cho bà con Khmer một cách toàn diện. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn, sự tiếp sức của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, các địa phương còn tiến hành cấp, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, giúp bà con có điều kiện chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh.

Ông Danh Nhê (huyện Hồng Dân) phấn khởi cho biết: “Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con Khmer chúng tôi được tiếp cận các khoản vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống của nhiều người như được sang trang mới, không còn sống trong cảnh khó khăn như trước. Vui hơn nữa là khi cuộc sống dần ổn định, bà con Khmer trong ấp đã đồng tâm, hiệp lực cùng chính quyền địa phương ra sức xây dựng quê hương”.

 Ông Danh Nhê (huyện Hồng Dân) thu hoạch ngó sen. Ảnh: C.L

Người dân cùng xây dựng nông thôn mới

Song song với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng phum sóc văn minh, hiện đại, đời sống văn hóa trong đồng bào Khmer luôn được quan tâm chăm lo bằng nhiều hình thức. Từ chỗ được vận động, tuyên truyền về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, xóm ấp, bà con Khmer đã trở thành chủ thể tự nguyện, sát cánh với chính quyền địa phương đưa phong trào đi vào thực chất. Trong xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) - một trong những địa phương có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, không tuyên truyền những quy định chung chung mà hướng dẫn bà con thực hiện những phần việc cụ thể như: Ông bà, cha mẹ phải mẫu mực để con cháu noi theo; yêu thương, giúp đỡ hàng xóm thoát nghèo; trồng cây xanh, hoa kiểng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp; không vứt rác bừa bãi xuống kênh rạch… Đặc biệt thời gian gần đây, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng cán bộ xã, các tổ dòng tộc vẫn tiếp tục vận động người dân hạn chế tụ tập đông người vào các dịp lễ ở chùa, khi tham gia phải tuân thủ quy tắc “5K”, loại bỏ những hủ tục không phù hợp.

Ông Danh Sua được xem như tấm gương điển hình của xã Vĩnh Trạch Đông trong việc tập hợp, đoàn kết đồng bào Khmer xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Khi chính quyền địa phương gặp khó trong việc xây dựng Nhà Văn hóa - Thể thao ấp, ông Sua đứng ra vận động sức người, sức của xây dựng công trình làm nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân. Ngoài ra, ông còn thường xuyên kêu gọi bà con Khmer giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Danh Sua cho biết: “Ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì Nhân dân ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ cũng được nâng cấp, sửa chữa. Những năm trước, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, việc học của học sinh còn nhiều hạn chế, thì giờ đây mọi chuyện đều dễ dàng, thoải mái hơn trước nhiều. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Theo ông Trịnh Thanh Phong - Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh: “Thời gian qua, tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh”.

Chí Linh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản