Tin mới

Hòa Bình: Ưu tiên việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Việc đào tạo nghề, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

 Nông dân Mai Sơn chăm sóc cây lúa.

Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, chủ yếu là người dân tộc thiểu số và làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh phát triển trồng các loại cây có múi và chăn nuôi như: cây cam, mía tím (huyện Cao Phong), nhãn ở xã Sơn Thủy (huyện Kim Bôi), gà (huyện Lạc Thủy), nuôi ong lấy mật (huyện Yên Thủy)… Ngoài ra, Hòa Bình còn có những làng nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu), mây tre đan, dệt thổ cẩm ở thị trấn Mãn Đức (huyện Tân Lạc)… Đây chính là những yếu tố đặc thù của địa phương góp phần tạo ra việc làm cho người lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu thiểu số trong tỉnh.

Tính đến hết năm 2020, lao động có việc làm của tỉnh Hòa Bình là 565.753 người (chia theo thành thị 173.220 người, nông thôn 392.533 người; nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 308.663 người, công nghiệp và xây dựng 118.084 người, dịch vụ 139.006 người).

Ðể giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, những năm qua các cấp, ngành tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp; thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, đến nay, công tác giải quyết việc làm ở Hòa Bình đã có bước đột phá với nhiều chuyển biến tích cực, số lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trong đó, để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đã khác để tạo việc làm mới cho người lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm: nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm; nguồn vốn do cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý; nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động; nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang, nguồn vốn từ các chủ đầu tư khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.

Tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút đông đảo các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người lao động tham gia; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề,  trong đó ưu tiên đào tạo lao động nông thôn, người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các huyện miền núi năm 2019 lên 48,6%, dự kiến năm 2020 đạt 53%. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm. Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hòa Bình, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã có 168.298 lượt lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.267 lao động, trong đó có 5.558 lao động là người dân tộc thiểu số.  Qua đó, từng bước góp phần tạo điều kiện cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn tăng gia phát triển sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo và hạn chế được tình trạng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Thu Hiền

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản