Tin mới

Hòa hợp dân tộc, gắn kết đạo - đời

(Mặt trận) -Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đồng lòng, chung tay góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Góp sức dựng xây quê hương

Do nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng theo dòng chảy văn hóa, di cư sau này của người dân từ các vùng miền, Đắk Lắk có nhiều dân tộc, tôn giáo mà không vùng nào trên cả nước có được. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc, gần 1,9 triệu dân, với 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao Đài. Gần 616.000 tín đồ được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại 845 cơ sở và điểm, nhóm, chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh, trong đó, tín đồ là người dân tộc thiểu số có khoảng 250.000 người.

 Đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Đắk Lắk sống tốt đời, đẹp đạo

Đến nay, đồng bào các dân tộc cũng như đồng bào tôn giáo ở Đắk Lắk đều sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương bình yên. Chức sắc, tín đồ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tinh thần, trách nhiệm và khát vọng cống hiến, góp sức dựng xây quê hương, trở thành trụ cột vững chắc ở xứ đạo, tạo sự hòa hợp, gắn kết đạo - đời, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.

Trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk có 192 cơ sở Phật giáo, với gần 190 nghìn tăng, ni, Phật tử, trong nhiều Phật tử là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Hòa thượng Thích Châu Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk cho biết, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và đồng bào Phật tử giữ gìn đạo hạnh, vận động thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; chăm lo nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi; xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và tích cực đóng góp ngày công lao động, hiến đất, ủng hộ kinh phí cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đắk Lắk cũng phát huy tinh thần đạo - đời hòa hợp bằng những hoạt động thiện nguyện thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết đã tích cực tuyên truyền, vận động hơn 217.000 tín đồ trên địa bàn đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động; thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Từ năm 2018 - 2022, bà con giáo dân đã tự nguyện đóng góp trên 13 tỷ đồng làm đường bê tông tại các khu dân cư, làm cầu cống kiên cố. Nhiều giáo xứ, họ đạo tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà, duy trì bữa ăn, nồi cháo tình thương, đầu tư xây dựng trường học, khu vui chơi, thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ, tặng học bổng, dụng cụ học tập… góp phần vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc trẻ em và công tác an sinh xã hội của tỉnh…

Tạo nên sức mạnh, nguồn lực

Vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc, chức việc, nhà tu hành được phát huy trong việc hướng dẫn, vận động đồng bào các dân tộc, tín đồ bảo tồn văn hóa truyền thống; tham gia bảo đảm an ninh trật tự; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng thôn, buôn văn hóa, không tệ nạn xã hội”; “Xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng xã phường an toàn”; “Xóa đói giảm nghèo”...

Giai đoạn 2016 - 2022, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Chẳng hạn, trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, các tôn giáo xây dựng, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và thân thiện với môi trường trong thực hiện quy trình sản xuất; tích cực sử dụng năng lượng tái tạo, trồng cây xanh nơi công cộng, cơ sở tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo toàn tỉnh đã trồng mới 39.650 cây xanh, khơi thông 12.710m dòng chảy, thu gom 1.014 tấn rác thải và 167 tấn rác thải nhựa…

Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Đắk Lắk chú trọng tuyên truyền vận động, phát huy dân chủ để toàn dân, trong đó có đồng bào các dân tộc, đồng bào tôn giáo chung sức, đồng lòng, huy động sự đóng góp trong thực hiện từng tiêu chí.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi có diện tích rộng, dân cư ở phân tán, thưa thớt, hạ tầng thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tỉnh có 54 xã thuộc khu vực III nên việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn rất khó đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay. Tính đến tháng 6.2023, tỉnh có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 49%, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 2.374/2.869 tiêu chí, bằng 82,7% kế hoạch; bình quân toàn tỉnh đạt 15,72 tiêu chí/xã; không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới… Đắk Lắk cũng đã có 136 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao, 116 sản phẩm đạt 3 sao)…

Sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo đã tạo sức mạnh, nguồn lực, đóng góp tích cực và quan trọng cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Ngọc Phương

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản