(Mặt trận) -Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có nhiều đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của huyện. Họ là “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc, từ đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
|
Cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thường Xuân là tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ nhân sĩ, trí thức đồng bào DTTS huyện Thường Xuân. |
Huyện Thường Xuân có 16 xã, thị trấn với 124 thôn, bản; trong đó đồng bào DTTS chiếm 58,3% dân số. Hiện nay, toàn huyện có 2.458 nhân sĩ, trí thức, trong đó có hơn 918 nhân sĩ, trí thức người DTTS, hơn 20 doanh nhân DTTS, 99 người có uy tín. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Thường Xuân luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN). Họ là lực lượng tiêu biểu, tiên phong trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, XDNTM trên địa bàn huyện. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Với sự đóng góp của người có uy tín, nhân sĩ, trí thức trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn, phát huy; tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố niềm tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS.
Những năm qua, huyện Thường Xuân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Đến nay, KT-XH, QP-AN trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,6%, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 32,7%, ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 24,7%. Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả cao, một bộ phận hộ đồng bào DTTS xóa được nhà tạm, nhà dột nát; việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh từng bước cải thiện...
Những kết quả quan trọng đó, có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu vùng đồng bào DTTS huyện Thường Xuân. Tiêu biểu như ông Hà Văn Thắng, dân tộc Thái, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban Công tác mặt trận thôn Cộc, xã Xuân Lộc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân XDNTM. Ông Thắng đã vận động người dân trong thôn tự nguyện hiến trên 760m2 đất các loại, 600 ngày công và hơn 270 triệu đồng xây dựng các tuyến đường giao thông nội thôn. Ông Lương Văn Long, trưởng dòng họ Lương, xã Luận Khê đã tích cực vận động, giáo dục các thành viên trong họ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định của địa phương, hương ước của thôn; động viên, khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động; từ quỹ đóng góp trong dòng họ đã khen thưởng, động viên cho hơn 100 cháu có thành tích trong học tập; tham gia hòa giải thành công 8 vụ mâu thuẫn, xích mích. Bà Lò Thị Thanh, ở thôn Thành Lãm, xã Tân Thành luôn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, còn hỗ trợ các gia đình khó khăn xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh hàng chục triệu đồng.
Bên cạnh đó, những tấm gương người DTTS là trí thức có thành tích cao trên các lĩnh vực y tế và giáo dục như: Cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thường Xuân luôn sáng tạo, say mê nghiên cứu, tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, vì vậy những năm qua nhà trường có nhiều học sinh thi vào các trường THPT với số điểm đạt cao. Ông Cầm Bá Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân; ông Cầm Bá Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện... là những bác sĩ tâm huyết, trách nhiệm, hết mình vì công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp, nhất là cấp cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm chú trọng, góp phần vào việc phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN ở địa phương trong thời gian qua. Điển hình như: Ông Cầm Bá Túc, dân tộc Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Xuân, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến của cử tri phản ánh đến các cấp, các ngành xem xét, giải quyết; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động quyên góp ủng hộ. Ông Cầm Bá Thịnh, dân tộc Thái, Phó trưởng Phòng Nội vụ, luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao, không ngại vất vả hỗ trợ thêm công việc cho đồng nghiệp. Năm 2021, mặc dù trong thời gian bị nhiễm COVID-19 phải cách ly tại gia đình nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công việc cơ quan; tích cực tham mưu cho các cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình góp phần xây dựng Thường Xuân ngày càng đổi mới, phát triển...
Khắc Công