|
Anh Triệu Văn Chuyên, dân tộc Dao (thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân, TP Hạ Long) trao đổi kinh nghiệm về cách chăm bón cây nho với người dân trong thôn. |
Xã nghèo “lột xác”
Tân Dân là một trong những xã vùng cao thuộc diện xa xôi của TP Hạ Long, người dân sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Trong ký ức của chúng tôi cách đây 5 năm, Tân Dân là xã đặc biệt khó khăn, thể hiện ngay ở chính con đường đi vào Tân Dân vừa quanh co lại khó đi bởi đất lún, chi chít ổ gà, ổ voi…
Thế nhưng khi quay trở lại Tân Dân trong một dịp gần đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của diện mạo nơi đây, cả về cảnh quan và con người. Đây cũng là minh chứng cho những kết quả triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” của xã.
Điều đầu tiên chúng tôi nhận ra sự khác biệt là con đường chính đi vào Tân Dân và cả những con đường liên thôn đều đã được bê tông hóa, với cảnh quan sạch đẹp. Theo Trưởng thôn Bằng Anh (xã Tân Dân), để có được điều đó, người dân của xã nói chung và của thôn nói riêng đã tích cực hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Theo đó, cứ vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, người dân đều tham gia dọn vệ sinh môi trường xung quanh nhà văn hóa và ngõ xóm, hướng dẫn nhau phân loại rác thải,… Bên cạnh đó, các hộ gia đình phải đảm bảo có nhà tiêu và chuồng trại hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt… Qua đó, góp phần tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp của xã.
Theo chân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Tân Dân năm 2022, chúng tôi lại có dịp được thưởng thức những đặc sản mới của xã, trong đó có trái nho Hạ Đen. Theo đánh giá của thương lái, nho của Tân Dân có vị ngọt thanh xen kẽ vị chua nhẹ, ngon chẳng thua kém các giống nho nổi tiếng của nước ta. Đây là một trong những sản phẩm từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Triệu Đức Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân cho biết: Từ khi triển khai xây dựng NTM, đường sá đi lại thuận lợi, công tác tuyên truyền được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung nên hầu hết các gia đình trong xã dần chuyển đổi nhận thức. Như gia đình anh Triệu Văn Chuyên, người đồng bào dân tộc Dao (thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân) đã tự bỏ vốn cải tạo hơn 2.000m2 đất lúa cấy kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng nho. Vụ thu hoạch đầu tiên trừ mọi chi phí gia đình anh đã có lãi hơn 100 triệu đồng. Từ tiền lãi của 2 vụ thu hoạch trong năm, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây nho…
Hầu hết mọi người dân ở thôn đã không còn bỏ hoang đất đai như trước. Những mảnh vườn hoang hóa ngày nào, giờ đây đã được bao phủ bằng màu xanh của các loại cây trái, các trang trại, gia trại và rừng gỗ lớn...
Một thế hệ người Dao mới
Ba Chẽ là huyện miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, trong đó dân tộc Dao chiếm 41%, còn lại là các dân tộc anh em khác. Vì vậy, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Ba Chẽ gặp nhiều khó khăn so với các địa phương khác.
Thế nhưng, sau 10 năm triển khai, huyện Ba Chẽ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện hơn so với trước. Ông Hoàng Ngọc Quyền - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ khẳng định, trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng NTM ở địa phương. Cùng với cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của MTTQ và các đoàn thể chính trị; diện mạo NTM tại các địa phương đã có sự thay đổi to lớn.
Khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền được rút ngắn đáng kể khi cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình giáo dục, y tế, môi trường nông thôn... đều được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phát huy tốt hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Khát vọng vươn lên, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ, khá giả, đã không ngừng được nhân rộng đến từng thôn, bản. Phần lớn người dân đã từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, lao động lạc hậu, dần xóa bỏ tâm lý trông chờ hỗ trợ, chủ động xây dựng đời sống mới…
Xác định xây dựng NTM phải lấy người dân làm chủ thể, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Đồn Đạc, từng là một trong những xã khó khăn nhất trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu đúng, hiểu rõ và tự giác, tích cực tham gia cùng chung tay với nguồn lực hỗ trợ Nhà nước để đầu tư xây dựng NTM.
Ông Triệu Quý Trình - người dân tộc Dao (trú tại thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con các dân tộc đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, khi ngành văn hóa đã tổ chức, phục dựng lại những lễ hội của mỗi dân tộc, qua đó giúp người dân hiểu thêm về lịch sử, giá trị truyền thống của cộng đồng, nâng cao tình đoàn kết và qua đó giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa của các dân tộc.
N.Q