Tin mới

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Mông

(Mặt trận) -Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, đề án của Đảng, Nhà nước, nhiều công trình kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc Mông của tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào được duy trì và phát huy.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Nhờ được hỗ trợ bò giống, gia đình chị Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) có điều kiện vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Cùng cán bộ xã Pù Nhi đến thăm gia đình chị Sung Thị Lâu, dân tộc Mông ở bản Pù Toong. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo của xã do thiếu đất sản xuất và không có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Thực hiện Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông, huyện Mường Lát, giai đoạn 2016 - 2020”, gia đình chị được vay vốn sản xuất và hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản trị giá 10 triệu đồng, được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò, kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rừng. Có vốn, có kiến thức sản xuất, đến nay gia đình chị đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp, với 1 ha cây xoan, 12 con bò, 200 con gà, 1 ha mía, 6 sào lúa nước, mỗi năm cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Có kinh tế, gia đình chị đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, hiện toàn huyện có 39 bản Mông thuộc 6 xã: Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và Mường Lý, với khoảng 3.387 hộ/17.933 nhân khẩu, chiếm 43,61% dân số toàn huyện. Do sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nông nghiệp chậm phát triển nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, những năm qua huyện Mường Lát đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đặc biệt khó khăn; các chính sách dân tộc; chương trình, dự án được Chính phủ đầu tư như 134, 30a, 167... Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 71 ngày 7-1-2016 về phê duyệt Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông, huyện Mường Lát, giai đoạn 2016 - 2020”... Từ những chính sách đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang huyện, xã, cùng sự nỗ lực của bà con, kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông đã có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống được cải thiện, nhiều hộ đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát từ đó ổn định nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống.

Tại huyện Quan Sơn, đồng bào Mông sinh sống ở 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy) và Ché Lầu (Na Mèo), với khoảng 218 hộ/1.051 khẩu. Thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn 3 bản Mông... đặc biệt là Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 - 2020”. Do đó, kinh tế - xã hội ở 3 bản Mông từng bước nâng lên, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng. Đến nay, 3 bản đã có nhà văn hóa, 3/3 bản được phủ sóng điện thoại di động; 2/3 bản đã có điện lưới quốc gia; hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát theo chương trình 167, 135... Tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào Mông trên 58,889 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học, đường giao thông nối các bản đồng bào Mông, đường giao thông trục chính từ bản Son lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo... nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ở 3 bản trên dần được nâng lên.

 Trường Tiểu học xã Sơn Thủy (Quan Sơn) được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho con em bản Mùa Xuân đến trường.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện nay đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 3.613 hộ/19.144 khẩu, ở 44 bản, thuộc 10 xã ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Đa phần đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, hộ cận nghèo gần 14%. Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông, những năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc miền núi. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động cụ thể hóa và ban hành nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, quy hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Thông qua các chương trình, dự án, đề án, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 115 công trình được đầu tư gồm điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa vùng đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông, huyện Mường Lát, giai đoạn 2016 - 2020” là 7 công trình; Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 - 2020” là 10 công trình. Tổng kinh phí đầu tư trên 331,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho việc đi lại, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Ngoài ra, trong các chương trình mục tiêu quốc gia khác, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện năng, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đến nay, đã có trên 50% đường giao thông đến các bản Mông được bê tông hóa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Khắc Công

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản