(Mặt trận) -Tỉnh Sóc Trăng có 35,76% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
|
Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng thoát nghèo bền vững |
Mỹ Xuyên là một trong hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Ðặng Văn Phương cho biết, huyện có hơn 33% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện là 27,63% theo chuẩn đơn chiều, đến hết năm 2019 giảm xuống 1,9% theo chuẩn nghèo đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt hơn 48,1 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 26,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Nông dân Lâm Hưng, ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên là một trong những hộ người Khmer đã thoát nghèo. Ông Hưng phấn khởi kể: "Cách đây 5 năm, gia đình tôi rất khó khăn, được địa phương xét cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi còn được chính quyền cho tập huấn về khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình trồng màu có hiệu quả, cho nên tự tin áp dụng kỹ thuật trồng rau màu vào 2.000 m2 đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ số tiền tích lũy, mỗi năm tôi thuê thêm ruộng để làm lúa hai vụ, nuôi thêm đàn bò cho thu nhập ổn định".
Vĩnh Châu vốn là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, có hơn 53% số dân là đồng bào DTTS. Trước đây, do xa trung tâm, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, Vĩnh Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau khi được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng có đông đồng bào DTTS, Vĩnh Châu như khoác lên chiếc áo mới và trở thành thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng.Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Sơn Ngọc Thạch nhận xét, với sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, đến nay, mức sống của người dân tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,5%. Hiện nay, 100% số xã, phường có đường ô-tô đến trung tâm và 60% số ấp, khóm có đường trục giao thông; 100% số xã có trường, lớp học kiên cố; hơn 80% diện tích đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi được cải tạo, bảo đảm tưới tiêu phục vụ tốt trong sản xuất; mạng lưới điện quốc gia phủ khắp các xã; văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản hoàn thiện; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa phương thức sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn gắn với thực hiện lồng ghép các chính sách an sinh xã hội khác như: hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn xây dựng nông thôn mới… đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong đồng bào DTTS, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh có gần 58 nghìn hộ nghèo, chiếm khoảng 18% số hộ dân của tỉnh thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo còn lại chỉ khoảng 16 nghìn. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo người Khmer hơn 4%/năm. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn hơn 9.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,8%; trong đó, có 5.600 hộ nghèo người Khmer.
Những ngày này, đến đâu ở Sóc Trăng, cũng thấy không khí hăng hái thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Mới đây, thêm ba công trình điện gió được khởi công, nâng số dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Sóc Trăng lên 21 dự án. Riêng thị xã Vĩnh Châu có 18 dự án, trong đó có chín nhà đầu tư điện gió và năm nhà máy được khởi công tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng nhận định, thu hút đầu tư ở Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều dự án đã và đang triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như: Bến tàu cao tốc Trần Ðề - Côn Ðảo; dự án đầu tư khu nuôi sản xuất tôm giống biển; dự án xây dựng Nhà máy sản xuất hàng may mặc, túi xách, giày da và nguyên phụ liệu; dự án đầu tư Nhà máy may Nhà Bè Sóc Trăng; dự án điện gió... Các công trình, dự án đều nằm ở vùng có đông đồng bào DTTS cho nên thu hút lao động địa phương, tăng thu nhập cho đồng bào. Ðặc biệt, đã có 56 dự án đầu tư tại địa bàn các xã khu vực 3, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng vốn đầu tư hơn 11.286 tỷ đồng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, với đặc thù là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc Khmer, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm và sâu sát trong công tác chỉ đạo, định hướng việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020, các công trình như điện, đường, trường học, trạm y tế... khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp cho người dân trong vùng dự án, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đáp ứng một phần nhu cầu về sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Các dự án, khi triển khai thực hiện, giúp đồng bào DTTS, nhất là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng trong đồng bào ngày càng được củng cố; đồng bào phấn đấu góp phần đóng góp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa 13 trình Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra giải pháp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả tỉnh./.
Thu Hiền