(Mặt trận) -Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng không ngừng nâng lên. Nhiều hộ từ nghèo trở thành hộ nông dân khá giả, xây nhà cửa ngày càng khang trang. Diện mạo xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.
Trong các điểm sáng đó phải kể đến huyện Trần Đề. Thời gian qua, nhờ tỉnh thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cộng với sự nỗ lực vươn lên của chính quyền và người dân nên tại các phum sóc, đồng bào Khmer xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm…
Gia đình chị Lâm Thị Nal, ở ấp Bưng Lức vốn là hộ nghèo, do không có đất sản xuất, không có nghề ổn định nên chị được địa phương xét hỗ trợ 5 con bò giống lai sind về nuôi. Nhờ vậy mà hiện nay gia đình chị là một trong những hộ thoát nghèo bền vững, có nhà mới và con cái được đến trường học.
Về Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi) cũng thấy rõ rệt sự đổi thay trong đời sống của đồng bào Khmer. Những năm qua, đồng bào Khmer ở xã Thanh Tùng được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, vốn và được hướng dẫn làm kinh tế nên số hộ thoát nghèo ngày càng nhanh. Nếu năm 2017, Thanh Tùng còn 139 hộ nghèo người Khmer, năm 2018 giảm còn 109 và hết năm 2019 chỉ còn 90 hộ... Và điều quan trọng nhất không phải là những hộ thoát nghèo đều có cuộc sống ổn định, mà chính là suy nghĩ của bà con đã thay đổi tích cực, ai cũng muốn được tự mình phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Tại ấp Tân Điền B, (xã Thanh Tùng) nhiều hộ đã triển khai 2 mô hình nuôi vịt xiêm Pháp và trồng hoa màu nên đời sống ngày càng ổn định hơn. Bà Kim Thị Phượng, một người dân trong ấp cho biết, thời gian qua nhờ được địa phương hỗ trợ 200 con vịt giống và hướng dẫn cách chăm nuôi như làm chỗ uống nước, làm nhà che nắng, rồi thức ăn như thế nào để đàn vịt lớn nhanh. Bà bảo, nguồn thu nhập từ đàn vịt đã giúp gia đình có vốn để tiếp tục tái đầu tư phát triển kinh tế.
Theo bà con trong ấp, vịt xiêm có sức kháng bệnh cao, trọng lượng gấp 3 lần so với vịt thường lại ít mắc bệnh nên hiệu quả kinh tế rất cao. Cùng với nuôi vịt xiêm, nhiều hộ còn trồng đậu bắp, dưa hấu. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc tốt nên trái dưa to, đỏ, ngọt không thua kém bất cứ nơi đâu.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách, trong giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa phương thức sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn gắn với thực hiện lồng ghép các chính sách an sinh xã hội khác như: hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn xây dựng nông thôn mới… đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong đồng bào DTTS, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh có gần 58 nghìn hộ nghèo, chiếm khoảng 18% số hộ dân của tỉnh thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo còn lại chỉ khoảng 16 nghìn. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo người Khmer hơn 4%/năm.
THANH HÀ