Tin mới

Kon Tum: Tập trung phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, những năm qua, kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Các cấp, các ngành luôn quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Ảnh: T.H

Thời gian qua, cùng với các chủ trương, đề án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập người dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách phát triển ở vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng, diện mạo nông thôn vùng DTTS có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của người dân được nâng lên.

Hiện, 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, 100% thôn, làng có điện quốc gia; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2015 - 2021 giảm 6,78%/năm; năm 2022, tỷ lệ nghèo toàn tỉnh giảm 4,46%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%, hộ gia đình nông thôn là đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 86%, trẻ DTTS trong độ tuổi vào học tiểu học đạt gần 100%. Trên 96% hộ DTTS có đất ở và khoảng 96,25% hộ DTTS có đất sản xuất. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường…

Tuy nhiên, vùng DTTS của tỉnh Kon Tum vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, kinh tế - xã hội phát triển chậm... Do đó, để tiếp tục tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào DTTS, hiện nay tỉnh Kon Tum đang tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia mà trọng tâm là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025.

Mục tiêu của tỉnh Kon Tum đề ra, đến năm 2025, 100% hộ dân DTTS có đất ở, đất sản xuất; 20% hộ DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã; cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; 100% thôn, làng có nhà rông truyền thống được sửa chữa, trùng tu định kỳ; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân tộc, nhiều giải pháp về đầu tư phát triển kinh tế, giữ vững và phát huy văn hóa các dân tộc, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS phải được triển khai đồng bộ.

 Diện mạo nông thôn ở nhiều vùng đồng bào DTTS ngày càng khang trang hơn. Ảnh: T.H

Theo đó, trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã nhanh chóng triển khai phân bổ 1.728 tỷ đồng cho các ngành, địa phương để triển khai thực hiện, đồng thời, giao mức đối ứng để các địa phương chủ động cân đối bảo đảm theo quy định của Chính phủ. Các đơn vị chức năng, địa phương được giao nhiệm vụ nhanh chóng xây dựng và triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình với tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. 

Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội dựa trên cơ sở thứ tự ưu tiên, như các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện nghèo có nhiều xã biên giới, xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ sản xuất, lao động việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là những hộ thuộc các nhóm DTTS khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức thiết nhất…

Các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến để người dân thấy được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của Chương trình gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Qua đó, động viên, khuyến khích đồng bào các DTTS tham gia, góp sức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.

Tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai các dự án trong vùng DTTS; liên kết với người dân phát triển sản xuất để góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào nguồn thu ngân sách và các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội của địa phương...

Với việc tập trung nguồn lực, đồng bộ các giải pháp thực hiện sẽ tạo điều kiện, sức bật để các vùng đồng bào DTTS nhanh hơn và bền vững hơn; nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong tỉnh. 

T.H

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản