Tin mới

Lâm Đồng: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ, nhận thức, phong tục tập quán của người dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã từng bước tạo nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Vai trò của người có uy tín đặc biệt được chú trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho vùng đồng bào DTTS

HÌNH THỨC PHONG PHÚ, ĐA DẠNG

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan là thành viên Hội đồng PBGDPL như: Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,... để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Giai đoạn 2016 - 2022, Ban Dân tộc phối hợp thực hiện các đề án như: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cung cấp thông tin đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS... Tổ chức 98 hội nghị, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 10.460 lượt người. Nội dung chủ yếu liên quan đến các quy định của hiến pháp, pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến vùng DTTS và miền núi; các quy định của pháp luật liên quan đến những hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; các quy định về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội dung chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; bạo lực gia đình; quản lý đất đai, bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng thường xuyên phối hợp với Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cung cấp hơn 100 tin, bài về việc thực hiện các chính sách dân tộc và pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân truy cập tìm hiểu, lấy thông tin, đảm bảo tính chính xác, kịp thời. 

Đồng thời, Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức xây dựng, biên tập, in ấn và cấp phát cho các đối tượng 1.120 sổ tay tuyên truyền viên và 45.000 tờ rơi về thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS; 29.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch COVID-19 bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc K’Ho, Churu; in 1.088 đĩa DVD, 56 băng rôn, lắp đặt 29 pano tuyên truyền. Nội dung tài liệu được biên soạn với hình thức ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm và tâm lý của đồng bào DTTS, với các nội dung chủ yếu liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và một số chính sách đang thực hiện tại vùng DTTS. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được thực hiện thông qua các Hội thi Tìm hiểu pháp luật, cấp báo và tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... 

Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận xét: Hoạt động PBGDPL cho đồng bào DTTS đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, thường xuyên. Nội dung tuyên truyền dễ hiểu, thiết thực, chính xác, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, góp phần ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS. 

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 478 người có uy tín trong đồng bào DTTS, gồm: già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, cán bộ hưu trí... Đây cũng là lực lượng tuyên truyền viên pháp luật biết tiếng DTTS, giúp công tác PBGDPL trong dòng họ, cộng đồng dân cư có nhiều thuận lợi hơn.

Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền miệng đối với người có uy tín. Tăng cường cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Qua đó, người có uy tín có thêm kiến thức về pháp luật để tuyên truyền lại bằng tiếng DTTS cho cộng đồng dân cư nơi cư trú. 

Thông qua việc thường xuyên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các chi, tổ, hội, tổ dân phố, câu lạc bộ... ở địa bàn dân cư, công tác PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đến với đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân là người DTTS. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. 

Cuối tháng 3 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 cho trên 170 đại biểu là cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp huyện; công chức phụ trách công tác dân tộc cấp xã; trưởng thôn; Ban công tác Mặt trận và đoàn thể thôn; người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng xác định phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua các chương trình phối hợp với các cơ quan Đảng, đoàn thể, MTTQ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025. Chú trọng nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động, thường xuyên cập nhật những chính sách và quy định mới của Nhà nước để đăng trên Trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị và cá nhân áp dụng các chính sách đối với đồng bào DTTS đạt hiệu quả, đúng quy định.

V.Q

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản