Tin mới

Lan tỏa yêu thương từ “Bếp ăn nghĩa tình”

(Mặt trận) -Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Sóc Trăng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã luôn đồng hành, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã nhóm lửa “Bếp ăn nghĩa tình” để chia sẻ khó khăn với người dân trong tỉnh và bà con về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tiếp thêm động lực giúp bà con vượt qua khó khăn trong cuộc sống do đại dịch Covid-19.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ đêm - đó là những công việc mà những thành viên của “Bếp ăn nghĩa tình” phải làm liên tục trong thời gian qua để cho ra hàng ngàn suất ăn nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng, kịp thời gửi đến những bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện, công dân thực hiện cách ly y tế trong tỉnh. Người lớn tuổi thì làm việc nhẹ, trẻ nhỏ thì làm việc nhỏ, mỗi người mỗi việc nhưng rất nhịp nhàng, đồng bộ, đảm bảo đến giờ hẹn thì mỗi khâu đều phải hoàn thành để đóng thành những phần ăn gọn gàng, sạch sẽ gửi đến tay người dân trước 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều.

 Những suất cơm ấm áp tình người được chuẩn bị chu đáo gửi đến bà con. Ảnh: H.LAN

“Bếp ăn nghĩa tình” được đặt tại chùa Hương Sơn, Thiền viện Trúc Lâm và nhà xe Tâm Phong (TP. Sóc Trăng), trong đó, điểm tại chùa Hương Sơn chịu trách nhiệm nấu chính với 3.000 suất/ngày và bếp hiện có trên 20 thành viên. Theo cô Tám - một tình nguyện viên đến từ huyện Mỹ Xuyên, để tiện cho việc phục phụ bếp ăn và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh nên cô ăn, nghỉ tại chùa. Hàng ngày hơn 3 giờ sáng là cô lại thức dậy nhóm lửa, nấu cơm và công việc này được cô làm xuyên suốt từ đầu tháng 8 cho đến nay.

Còn anh Mai Trọng Toàn - một tình nguyện viên cũng đồng hành cùng bếp ăn lúc mới khởi động cho đến bây giờ, chia sẻ, anh có nhiệm vụ làm công tác vận động, bếp thiếu gì anh tìm nguồn hỗ trợ, lên thực đơn hàng ngày, phụ bếp... việc gì anh cũng làm. “Thường tôi tranh thủ đến sớm để tiếp các thành viên hoàn thành bữa ăn sáng, sau đó lên trường dạy online, dạy xong tôi lại chạy vào tiếp tục công việc, có hôm về đến nhà đã tối mịt, mệt lắm nhưng rất vui” - anh Toàn chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Chí Hiếu, ở Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) thường ngày chỉ biết ôm vô lăng, nay lại làm phụ bếp không thua gì mấy chị chuyên nội trợ. Là tài xế tuyến Sóc Trăng - Bình Dương, từ khi dịch bùng phát anh cũng nghỉ và tham gia tình nguyện phục vụ bếp ăn. Anh Hiếu bộc bạch: “Chứng kiến bà con quê mình hồi hương do dịch quá khổ, anh không có của nên muốn góp một phần sức nhỏ, phụ nấu bữa ăn giúp bà con no lòng trong thời gian thực hiện cách ly y tế tập trung”.

Để có được những suất cơm nóng hổi đến tay người dân đúng giờ ăn thì phải qua rất nhiều công đoạn, sự góp sức của rất nhiều người. Và từng hạt gạo, bó rau, trái bí, quả bầu... tất cả đều do các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, người dân trong và ngoài tỉnh chung tay đóng góp bằng tất cả tình yêu thương. Bếp ăn có nhiệm vụ "pha trộn" những tình cảm, yêu thương của mọi người thành những bữa ăn thấm đậm nghĩa tình gửi đến bà con quê mình.

Thượng tọa Thích Trung Túc - Trụ trì chùa Hương Sơn bộc bạch: “Nấu vài chục, vài trăm phần ăn đã khó, nói chi nấu hàng ngàn phần ăn mỗi ngày thì làm sao không có những sơ suất, đôi khi cũng thừa đường, thiếu muối, nêm quá tay... nên mong bà con thông cảm. Nhiều khi ăn không vừa miệng nhưng hãy nghĩ đến tình cảm mà mọi người gửi gắm vào đó, cố gắng ăn cho có sức khỏe chống lại bệnh tật, hoàn thành thời gian cách ly để về với gia đình, người thân”. Thầy Túc cho biết thêm, để giúp bà con ngon miệng, bếp ăn đổi món liên tục trong 3 bữa ăn, nhất là các bữa chính (bữa trưa và chiều).

“Bếp ăn nghĩa tình” do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng "khởi động" từ ngày 5-8 và đỏ lửa xuyên suốt mùa dịch. Khởi đầu bếp ăn nấu cơm để gửi tặng bệnh nhân và thân nhân bị kẹt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó tiếp tục phục vụ các khu cách ly, người dân nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Và gần đây nhất, khi hay tin hàng chục ngàn người dân Sóc Trăng, chủ yếu lao động nghèo, khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trở về quê hương, ngọn lửa “Bếp ăn nghĩa tình” càng cháy lên mạnh mẽ, đảm bảo cung cấp các suất ăn cho các khu cách ly công dân Sóc Trăng về từ vùng dịch, bệnh viện điều trị F0 với công suất hàng ngàn khẩu phần ăn mỗi ngày. Với số lượng lớn người cần phục vụ như thế, bếp ăn gần như hoạt động xuyên suốt, các thành viên phục vụ bếp ăn cũng vậy. Cực nhất là những hôm trời mưa, công việc cũng vất vả hơn nhiều nhưng nghĩ đến cảnh bà con đèo nhau trên xe máy, xe đạp chạy hàng trăm cây số, những trẻ nhỏ theo cha mẹ đội nắng, dầm mưa với động lực duy nhất là được về quê thì bao mệt nhọc cũng tan biến, ai cũng thấy vui, khỏe trong người và họ quyết tâm duy trì bếp ăn đến khi nào hết dịch mới thôi.

M.LINH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản