Tin mới

Lào Cai: “Giải pháp mềm” ngăn chặn tảo hôn

(Mặt trận) - Không có sự chứng kiến, đồng ý của ông mai, bà mối, dù đôi lứa có yêu thương nhau, về chung sống với nhau thì vẫn không được cộng đồng công nhận nên vợ, nên chồng. Nét văn hóa đó của cộng đồng một số dân tộc vùng cao, điển hình như người Mông đã mở ra một “giải pháp mềm”, đó là vận dụng vai trò của ông mai, bà mối để ngăn chặn tảo hôn.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai trò chuyện với ông mai, bà mối ở xã Sín Chéng. 

Thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường học cho học sinh học tại nhà, học trực tuyến. Tại vùng cao, điều kiện thiết bị di động, mạng internet khó khăn nên nhiều học sinh thành lập nhóm học chung. Tình yêu học trò chớm nở ở những “đôi bạn cùng tiến” này. Thế nhưng, điều đáng nói là thay vì cùng nhau phấn đấu học tập, nhiều học sinh quyết định nghỉ học để… kết hôn dù tuổi đời còn trẻ.

Tại vùng cao, tảo hôn không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” sau các đợt nghỉ học dài ngày như nghỉ hè hoặc dịp lễ, tết. Những năm qua, tảo hôn đã được ngăn chặn, giảm đáng kể nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. “Trong cái khó lại ló cái khôn”, do hiểu biết về văn hóa đồng bào vùng cao, một sáng kiến đã được huyện Si Ma Cai đưa vào thực tế nhằm ngăn chặn tảo hôn.

Chúng tôi lên Si Ma Cai, tìm ông Lồ Xuân Chô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, tác giả của sáng kiến sử dụng ông mai, bà mối ngăn chặn tảo hôn để tìm hiểu rõ hơn. Là người Mông nên hơn ai hết, ông Chô hiểu rõ đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Nếu nói vui thì không làm cán bộ, ông Chô có thể làm một ông mai “chính hiệu”. Ông Chô lý giải: Theo phong tục, tập quán của người Mông, ông mai, bà mối có vai trò rất quan trọng, là người “làm lý” để chứng nhận đôi lứa nên vợ nên chồng, nếu không có ông mai, bà mối thì đám cưới không thể diễn ra được. Bởi vậy, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu ông mai, bà mối ký cam kết không tổ chức nghi lễ kết hôn cho các cặp đôi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Ông mai, bà mối cũng là những “tuyên truyền viên” tuyên truyền, giảng giải Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như phân tích cho cộng đồng dân tộc tại địa phương những hệ lụy khi kết hôn sớm. Giải pháp này được thực hiện từ năm 2017 đang phát huy hiệu quả.

Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc khác, đám cưới là dịp quan trọng của đời người với rất nhiều nghi lễ, nghi thức mà đôi trẻ hay hai bên gia đình không thể tự làm mà phải do ông mai, bà mối thực hiện. Ông Thào A Vần, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng là một trong những “cây đại thụ” trong làng mai mối lý giải: Cách đây khoảng 20 - 30 năm, hôn nhân giữa các đôi trai gái thường do cha mẹ sắp đặt. Khi nhà trai thấy “ưng” một cô gái trong bản, mong muốn đón cô gái đó về làm dâu thì sẽ mời ông mai, bà mối thay gia đình nhà trai đến nhà gái thưa chuyện hỏi cưới. Thời nay thường con trai, con gái tìm hiểu, yêu thương nhau thì cô gái sẽ theo chàng trai về nhà. Nhà trai cũng phải tìm ông mai, bà mối làm đại diện đến nhà cô gái thông báo rằng, người con gái đã có chỗ ăn, chỗ ở mới bên nhà trai, mong nhà gái tạo điều kiện để tổ chức đám cưới. Việc thưa chuyện này không phải ai cũng có thể làm, mà phải là người biết thổi khèn, biết hát, có tài ăn nói và đặc biệt là “mặt dày”. “Nhiều khi mình đại diện cho nhà trai đến hỏi vợ, nhà gái không ưng, người ta chửi mình, đuổi mình đi, nhưng mình vẫn phải nhẫn nại, không được cáu giận mà phải lựa lời, khéo léo thuyết phục người ta, chứ giận dỗi bỏ về thì coi như hỏng cả chuyện lớn, nói vui thì phải “mặt dày” mới làm được đấy” - ông Vần giải thích thêm.

Nếu như ông mai là người đại diện, “làm lý” cho các nghi lễ của một đám cưới thì bà mối thường là những người có tài ăn nói, có khả năng thuyết phục người khác. Trong thời gian ông mai thưa những chuyện quan trọng, bà mối sẽ là người tỉ tê, tâm sự với những phụ nữ trong gia đình nhà gái, thuyết phục sự ủng hộ, tạo điều kiện từ khu vực “hậu phương”. Chị Giàng Thị Mủa, thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng thường được những người trong dòng họ nhờ làm bà mối. Theo chị Mủa, bà mối phải là những người có quan hệ thân tộc, trong dòng họ với gia đình nhà trai, lo chuyện rót nước, mời thuốc (thường là thuốc lào) và thuyết phục những phụ nữ trong gia đình nhà gái. “Khi nhà trai đến thưa chuyện, có thể nhà gái chưa hài lòng lắm, mẹ cô dâu hoặc cô dâu thường ở trong buồng tránh mặt, lúc ấy bà mối phải vào theo. Mình vào tâm sự, chia sẻ, thuyết phục đến khi gia đình nhà gái đồng ý mới thôi. Bà mối cũng là người đại diện đón dâu, nhận hành lý cô dâu từ gia đình nhà gái mang về nhà trai giúp cô dâu” - chị Mủa tâm sự.

Theo ông Vần, làm mai mối không chỉ cần kiên nhẫn mà còn phải “thông” hết những thủ tục, thuộc hết những bài hát khi thực hiện các nghi lễ từ lúc đến nhà gái thưa chuyện, lúc ăn hỏi, xin dâu. Những bài hát ấy là những lời thuyết phục, nhắn nhủ cũng như dặn dò con cái, là thông điệp mà hai gia đình trao gửi cho nhau cũng như “bố cáo” với cộng đồng chứng nhận cho đôi lứa nên duyên. Ông Vần học hát, tìm hiểu các nghi thức từ năm 20 tuổi nên được coi là một ông mai “gạo cội”, được người dân địa phương tin tưởng, lựa chọn trong nhiều nghi lễ quan trọng. Ông mai thường phải là người có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng công nhận. Nhận thức được vai trò của mình, ông Vần cũng nhiều lần từ chối “làm lý” cho những cặp đôi tảo hôn, tham gia tuyên truyền, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn tảo hôn ở địa phương.

Với vai “chứng nhận” của ông mai, bà mối đã mở ra một “giải pháp mềm” trong việc ngăn chặn tảo hôn. Ông Lồ Xuân Chô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai cho rằng: Để ngăn chặn tảo hôn thì việc tuyên truyền, giáo dục, sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là chưa đủ. Ông mai, bà mối được tuyên truyền, ký cam kết không tổ chức nghi lễ kết hôn cho các cặp đôi tảo hôn là cách vận dụng linh hoạt yếu tố văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông vào việc ngăn chặn tảo hôn, góp phần đảm bảo thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình. Những ông mai, bà mối đứng ra “làm lý” cho các cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng sẽ bị xử phạt bằng chính quy ước, hương ước thôn, bản. Những năm qua, đã có 2 trường hợp bị xử phạt vì vi phạm cam kết. Hằng năm, huyện Si Ma Cai đều tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, cảm ơn sự đồng hành của các ông mai, bà mối trên địa bàn. “Chúng tôi hy vọng với sự đồng hành, đồng lòng, mỗi ông mai, bà mối sau khi từ chối làm “chứng nhân” cho hôn lễ trái quy định của pháp luật, với uy tín của mình trong cộng đồng, họ sẽ trở thành tuyên truyền viên, góp phần tuyên truyền, ngăn chặn tảo hôn” - ông Chô nói.

Cần phát huy tầm ảnh hưởng của ông mai, bà mối đối với cộng đồng

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho rằng, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đội ngũ ông mai, bà mối có vai trò và sự ảnh hưởng, chi phối rất lớn đối với đời sống xã hội. Họ thường xuyên tham gia đại diện, chủ trì tổ chức các sự kiện quan trọng của gia đình, dòng họ, thôn bản, là người am hiểu, giữ các tri thức dân gian của cộng đồng.

Nhiều năm qua, đội ngũ ông mai, bà mối đã trực tiếp tham gia cải tạo, bài trừ hủ tục, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bảo tồn, lưu giữ, truyền lửa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Thực tế cho thấy, ông mai, bà mối là người có vai trò rất quan trọng, am hiểu tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng từng dân tộc, vì vậy sức ảnh hưởng, lan tỏa của đội ngũ này đối với cộng đồng rất lớn. Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tập hợp, động viên, định hướng hoạt động, tiến đến quản lý, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ ông mai, bà mối để giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tuyên tuyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong việc việc cưới, việc tang, lễ hội nói chung và phòng, chống tảo hôn nói riêng.

Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở dựa vào ông mai, bà mối để ngăn chặn tảo hôn

Ông Lý Seo Vảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai cũng chia sẻ, tảo hôn luôn là vấn đề “nóng” đối với Si Ma Cai, phần lớn xảy ra trong cộng đồng dân tộc Mông. Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn một phần bởi phong tục, tập quán kết hôn sớm, một phần là do học sinh học nhóm, tiếp xúc gần, có thời gian tìm hiểu nhau, nên nảy sinh tình cảm, quyết định dẫn nhau về nhà xin cha mẹ cho kết hôn, chung sống như vợ chồng. Ông mai, bà mối có vai trò quyết định đối với một đám cưới, nếu không có ông mai, bà mối làm lý thì cuộc hôn nhân coi như không có hiệu lực, cộng đồng không công nhận.

Những năm qua, huyện Si Ma Cai đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tảo hôn, trong đó có biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục trong nhà trường song song sử dụng cả các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật đối với những trường hợp kết hôn trong độ tuổi vị thành niên. Từ thực tế cho thấy, ông mai, bà mối là một “cánh cửa”, phải “qua cửa” này thì đám cưới mới được công nhận, nên cấp ủy đảng địa phương đã tổ chức các hội nghị, tọa đàm, đối thoại với ông mai, bà mối trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động họ không tham gia tổ chức đám cưới cho các cặp tảo hôn. Qua các buổi gặp mặt, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, chỉ đạo và cũng cảm ơn sự đồng hành của các ông mai, bà mối. Sáng kiến này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong những năm qua, góp phần giảm đáng kể tình trạng tảo hôn ở địa phương./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản