(Mặt trận) - Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm, lắng nghe tiếng nói người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Lê Văn Ngọc, Trần Thị Thu Hương; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và 80 vị đại biểu là người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Theo số liệu, tỉnh Nghệ An hiện có 39 dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 491.200 người (chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh) tập trung 05 dân tộc chính, gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An cư trú tập trung tại 252 xã/12 huyện, thị xã, 1.339 thôn, bản trên diện tích hơn 13.700 km2 (chiếm 83% diện tích toàn tỉnh).
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hưởng ứng thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa...
Qua đó, góp phần từng bước làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả trên có vai trò rất quan trọng của các già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phát huy vai trò gương mẫu của mình để tuyên truyền, động viên nhân dân đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Đặc biệt, trong hoạt động Mặt trận, các cụ người uy tín luôn đồng hành cùng cán bộ MTTQ các cấp, phát huy vai trò uy tín của mình để vận động bà con thôn bản nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng bản làng văn hóa, văn minh.
|
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu đánh giá cao vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Nhờ vậy, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, nhân dân trong tỉnh tự nguyện hiến tặng hơn hơn 60 ngàn m2 đất, đóng góp hơn 3,4 triệu ngày công, ủng hộ hơn 1.866 tỷ đồng; làm mới 790 km đường giao thông nông thôn; 259km kênh mương thủy lợi; 2.343 tuyến đường cờ; 2.520 km đường hoa; 1.417 tuyến đường đèn chiếu sáng; 13.830 chiếc camera an ninh… để góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 9 đơn vị cấp huyện và 309/411 đơn vị cấp xã, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ người dân gặp khó khăn được thực hiện hết sức mạnh mẽ, hiệu quả, với tổng kinh phí, hàng hóa, ngày công ủng hộ hơn 1.200 tỷ đồng, qua đó kịp thời hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 6.300 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ mô hình sinh kế cho trên 2.000 hộ nghèo, hỗ trợ chữa bệnh cho 8.344 trường hợp, hỗ trợ 20.572 lượt học sinh nghèo đến trường và hàng ngàn người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi toạ đàm, các già làng trưởng bản đã đóng góp những ý kiến sát với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Trong đó, cần có thêm những chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; quan tâm hơn đến chế độ chính sách cho cán bộ tuyên truyền ở thôn, bản.
Ngoài ra, vấn đề cấp bìa đỏ, đất rừng, đất sản xuất, đất chồng lấn, nước sạch… được các già làng, người có uy tín đề xuất đến lãnh đạo Mặt trận có ý kiến với ban ngành cấp tỉnh nhằm khắc phục những vướng mắc lâu nay.
Những kiến nghị của các đại biểu được Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp thu, tổng hợp và gửi đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để giải trình, làm rõ theo quy định.
Theo Báo Nghệ An