Tin mới

Miền Trung - Tây Nguyên: Tập trung phòng chống dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Do vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực miền Trung - Tây Nguyên hầu hết còn gặp nhiều khó khăn, nên từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các địa phương rất chú trọng thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới đời sống của đồng bào.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân và khu cách ly xã Cư Pui, huyện  Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Lê Hường - Báo Dân tộc và Phát triển)  

Tính từ khi dịch bùng phát (27/4/2021) đến hết ngày 4/10/2021, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có 1.705 người DTTS mắc COVID-19 (11 ca tử vong). Đắk Lắk là tỉnh có số ca mắc và tử vong cao nhất với 1.164 ca (09 ca tử vong). Tiếp đó là các tỉnh: Gia Lai: 289 ca; Đắk Nông: 179 ca (02 ca tử vong)... Đa số các ca F0 người DTTS thuộc diện hộ nghèo, khó khăn.

Ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Khu vực miền Trung - Tây Nguyên), Ủy ban Dân tộc cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng đã tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vận động người dân chấp hành nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Do 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hơn 2,7 triệu người là đồng bào DTTS; trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên có tới 38% dân số, với trên 2,1 triệu người DTTS. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào, Ban Dân tộc các tỉnh rất chú trọng sử dụng song song tiếng phổ thông và tiếng DTTS.

Một số Ban Dân tộc đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19”; tăng cường thông qua người có uy tín, già làng, các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các tôn giáo để tuyên truyền đồng bào cùng phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh trong vùng đã biên soạn, in ấn, phát hành cẩm nang phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng các thứ tiếng: Việt, Ê-đê, M’nông để cấp phát cho người có uy tín trong đồng bào DTTS làm tài liệu tuyên truyền; phối hợp với đài phát thanh - truyền hình các địa phương xây dựng các bản tin song ngữ; in ấn, lắp đặt pano bằng tiếng Việt và tiếng của đồng bào DTTS chiếm số đông tại khu vực trọng điểm về COVID-19…

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc các tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, trao số tiền 306,5 triệu đồng của Ủy ban Dân tộc hỗ trợ cho các hộ và cá nhân F0 đúng đối tượng và danh sách được phê duyệt; kết hợp nắm tư tưởng, nguyện vọng và tình hình đói nghèo, những khó khăn khác trong đời sống, sản xuất của người DTTS để cùng các ngành khác trong tỉnh có hướng đề xuất với Ủy ban Dân tộc, với cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thời kỳ hậu COVID-19...

Cùng với thực hiện công tác phòng, chống dịch tại chỗ, hiện nay, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang gặp thêm áp lực đón người lao động tự do ở các địa phương có dịch như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An… tự phát về quê với số lượng lớn. Riêng tỉnh Kon Tum có kế hoạch đón gần 4.000 người đang sinh sống, học tập ở các địa bàn trên trở về quê, chưa tính số lượng người đi qua địa bàn tỉnh với số lượng và quy mô lớn.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng, khiến nguy cơ gia tăng ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên là rất cao.

Trước tình hình trên, UBND các tỉnh trong khu vực đã chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nắm tình hình công dân từ vùng dịch tự phát về hoặc qua địa bàn để tổ chức đón, đưa người qua địa phương đảm bảo an toàn, đúng quy định, không để dịch lây lan trong cộng đồng, nhất là ở vùng người DTTS.

Tập trung phát huy vai trò các tổ cộng đồng phòng chống COVID-19 và các tổ chức ở thôn, buôn, khu dân cư trong giám sát, quản lý chặt chẽ các hộ gia đình, nắm chắc thông tin từng người dân, đảm bảo ngăn chặn và phát hiện kịp thời các trường hợp về từ vùng có dịch để áp dụng ngay các biện pháp cách ly tập trung.

Ông Điểu Mưu cho rằng, hiện nay, các địa phương vừa phải phòng, chống dịch, vừa thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Song do vùng đồng bào DTTS các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hầu hết còn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề “hậu” COVID-19 ở những địa bàn này cần hết sức được quan tâm.

Trước hết, cần huy động nguồn vắc-xin để triển khai tiêm phủ một số địa bàn, hiện đang được xác định ở mức nguy cơ rất cao, bao gồm vùng đồng bào DTTS có nhiều ca F0 như Đắk Lắk, Đắk Nông... Đồng thời nhanh chóng tổ chức khảo sát, đánh giá, đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS khôi phục phát triển kinh tế, sớm ổn định đời sống, nhất là các vùng bị giãn cách xã hội trong thời gian dài, các xã thôn, buôn… địa bàn có nhiều ca F0 đã và đang điều trị, cách ly tập trung lâu ngày không lao động, sản xuất, mất việc làm - ông Điểu Mưu đề xuất./. 

Phương Liên

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản