Tin mới

Mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” ở xã Nga Điền

(Mặt trận) -Sau nhiều năm triển khai thực hiện mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào công giáo nói riêng ngày càng được nâng lên.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Chi ủy chi bộ thôn 2 phối hợp với Trùm chánh giáo họ ở xã Nga Điền (Nga Sơn) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con giáo dân.

Quá trình xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” đã được Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã và các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, nhất là được sự tham gia góp ý của các linh mục, hội đồng giáo xứ và sự đồng thuận của Nhân dân. Mô hình gồm 8 tiêu chí, được tuyên truyền đến 8/8 khu dân cư, 9/9 họ đạo và cán bộ, Nhân dân trên địa bàn xã. Có 8/8 khu dân cư, 9/9 họ đạo và 100% hộ đồng bào công giáo đăng ký, cam kết thực hiện tốt 8 tiêu chí của mô hình cũng như xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự (ANTT).

Sau 8 năm triển khai thực hiện, mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” đã đi vào cuộc sống. Ban chỉ đạo xây dựng mô hình đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân và bà con giáo dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng mô hình và 8 tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn xứ đạo, họ đạo bình yên - gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, qua các buổi họp thôn, sinh hoạt tổ ANTT, các buổi giảng trong nhà thờ của linh mục, trong hội họp của hội đồng giáo xứ, giáo họ. Việc thực hiện mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” gắn liền với phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn đã phối hợp với các chức sắc, chức việc, cùng với các linh mục, hội đồng giáo xứ, những người có uy tín trong giáo xứ, giáo họ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của người công dân, giáo dân theo đường hướng sống phúc âm trong lòng dân tộc, lương giáo đoàn kết, tốt đời đẹp đạo và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 20 chức sắc, chức việc giáo dân tham gia làm tổ trưởng, tổ phó tổ ANTT xã hội ở các khu dân cư. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà 100% hộ dân trong xã đã ký cam kết tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT. Có 8/8 khu dân cư, 9/9 giáo họ duy trì đảm bảo ANTT tốt, không có tội phạm và tệ nạn xã hội, không để vụ việc phức tạp kéo dài. Thông qua mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, hàng năm quần chúng Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an xã và các tổ tự quản hàng chục nguồn tin có giá trị về ANTT. Từ nguồn tin trên giúp lực lượng công an xã xử lý kịp thời các vụ việc về ANTT và tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân. Kể từ khi có mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” số vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn xã đã giảm về số lượng và tính chất, mức độ theo từng năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển đi lên của địa phương. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” còn được các ngành, đoàn thể, tổ mặt trận thôn và các giáo xứ, giáo họ lồng ghép với nhiều phong trào thi đua yêu nước của địa phương phát động như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”, các quy ước, hương ước của làng văn hóa trong khu dân cư; chú trọng biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điểm sáng trong phong trào... Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần đưa đời sống vật chất và tinh thần của người công giáo ngày càng được đổi mới. Qua phân loại, bình xét các tiêu chí, đến nay xã có 8/8 khu dân cư và 4/4 nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; 9/9 giáo họ đạt tiêu chuẩn giáo họ bình yên và duy trì bảo đảm tốt công tác giữ gìn ANTT, tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế; 8/8 khu dân cư và trên 85% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, khẳng định: Mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” ở xã Nga Điền đã thực sự phát huy có hiệu quả. Từ khi triển khai thực hiện mô hình và thành lập các tổ Nhân dân tự quản, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình tội phạm được kiềm chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội của con em trong thôn, xã; ý thức tham gia giữ gìn ANTT, đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm của bà con giáo dân được nâng lên. Thông qua mô hình đã vận động Nhân dân và bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đặc biệt là chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được bà con giáo dân chấp hành rất nghiêm túc”.

Công Quang

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản