Tin mới

Một số giải pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc

(Mặt trận) -Các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Trong điều kiện thường xuyên có sự chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, cần phải chủ động phòng ngừa, sớm triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về công tác dân tộc, tôn giáo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn sẽ phòng, chống hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nơi có 34 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là người Kinh, Thái, Tày, Mường, Dao, Nùng, Mông... với dân số khoảng gần 8 triệu người. Đồng bào các dân tộc trong vùng theo đạo Phật có khoảng 125.000 tín đồ; Công giáo có gần 300.000 tín đồ và Tin lành có khoảng 138.000 tín đồ.  Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện của hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng ổn định và phát triển; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng vùng Tây Bắc thực sự trở thành “phên dậu” vững chắc trên vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc.

Tuy nhiên, đời sống nhân dân các dân tộc sinh sống ở các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn khó có thể giải quyết “một sớm, một chiều”. Hiện nay tỷ lệ nghèo đa chiều trên 50% ở một số hộ dân tộc thiểu số còn cao như: Dân tộc La Hủ (74,4%), dân tộc Mảng (66,3%), dân tộc Xinh Mun (65,3%), dân tộc Cống (54,0%), dân tộc Lô Lô (53,9%), dân tộc Mông (52,6%), dân tộc Khơ Mú (51,6%), dân tộc Pà Thẻn (50,2%); vẫn còn 3,3% số hộ dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia, trong đó một số dân tộc có trên 15% số hộ phải sử dụng nguồn năng lượng khác để thắp sáng, bao gồm: Cơ Lao (15,3%), La Hủ (17,1%), Mông (19,6%), Mảng (19,9%), Khơ Mú (23,5%), Lô Lô (23,7%). Đến nay còn 11,4% số hộ dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, trong đó một số dân tộc có tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh thấp dưới 50%, bao gồm: dân tộc Si La (48,3%), dân tộc Cống (43,5%)... đây là những thách thức không nhỏ đối với công tác dân tộc ở nước ta nói chung, các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng1. Lợi dụng sự đói nghèo của một số dân tộc, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội gắn vấn đề dân tộc, với vấn đề tôn giáo, lợi dụng các yếu tố “tự do”, “dân chủ”... để gây kỳ thị, chia rẽ các dân tộc. Trong đó, nổi lên một số hoạt động chủ yếu là:

Thứ nhất, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tập trung tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, kích động đồng bào Mông ở các tỉnh khu vực Tây Bắc di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên và di cư sang Lào; luận điệu của chúng là: “quốc tế đã công nhận người Mông là một dân tộc chính thống, có Tổ quốc riêng, nên người Mông phải đoàn kết, tôn vinh những người mới để đứng lên thành lập nhà nước riêng”. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã tập trung đấu tranh, bóc gỡ, xóa bỏ hoạt động của các đối tượng phản động trong người Mông trên địa bàn, xử lý hầu hết các đối tượng cầm đầu, quản lý, giáo dục các đối tượng đã nhẹ dạ, cả tin, tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nên phần lớn các nhóm đối tượng phản động đã cơ bản tan rã. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng vẫn tiếp tục hoạt động ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo. Thông qua công tác nắm tình hình và phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng chức năng đã bắt được các đối tượng và đã được tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đưa ra xét xử ngày 18/2/2020 với 14 bị can. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015; tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), áp dụng một hình phạt nghiêm minh với từng hành vi phạm tội mà các đối tượng đã gây ra.

Thứ hai, các thế lực thù địch ở ngoài nước đã thông qua các trang mạng xã hội, youtube, facebook.. chỉ đạo các đối tượng phản động trên địa bàn vu cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đàn áp, vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, kích động đồng bào dùng vũ lực chống lại chính quyền các cấp; khiếu kiện, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp... Chúng đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, lôi kéo người Mông trên địa bàn các huyện biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu theo tà đạo.

Thứ ba, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, như: tuyên truyền, lôi kéo tín đồ, củng cố tổ chức; kích động di cư tự do, với các chiêu bài chúa sẽ về đón con dân của chúa, đi theo chúa sẽ được che chở, được cấp phát tiền, vật chất, sẽ có cuộc sống ấm no, tự do. Vì thế, trong hơn hai thập niên trở lại đây, số lượng đồng bào theo các tôn giáo tăng nhanh và nhiều cơ sở thờ tự được xây mới, nhất là Công giáo và Tin lành; trong đó, có khoảng 96% là người Mông theo đạo Tin lành.

Thực tế ở các địa phương trong vùng Tây Bắc cho thấy các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để đấu tranh, ngăn ngừa, từng bước vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thực tiễn cho thấy, nhận thức của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về sự chống phá của các thế lực thù địch nói chung, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói riêng còn hạn chế. Do đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về vấn đề này là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để thực hiện tốt, trước hết cần làm chuyển biến nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là thủ đoạn mới của chúng. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đội ngũ cán bộ các cấp xác định rõ trách nhiệm, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là việc bồi dưỡng, học tiếng nói, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc là một trong những yêu cầu bắt buộc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào hiểu, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách về dân tộc, tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, sự ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Trong tuyên truyền, cần có phương pháp phù hợp, gần gũi, chia sẻ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, kiên trì, nói đi đôi với làm để đồng bào hiểu, tin và ủng hộ; tuyệt đối tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, tránh sơ hở, sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của các dân tộc thiểu số, nhất là các vùng trọng điểm về an ninh, quốc phòng.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, quan tâm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo mọi điều kiện thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, khai thác tiềm năng du lịch. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của đồng bào; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa tại các làng, bản, đấu tranh chống các biểu hiện mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Phát huy vai trò của các đoàn kinh tế - quốc phòng trên địa bàn tham gia xây dựng công trình dân sinh phục vụ sản xuất và đời sống; nghiên cứu, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm cho đồng bào các dân tộc để từng bước ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.

Phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ, đội công tác, cử cán bộ Bộ đội Biên phòng giữ chức vụ trong cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới, tích cực tham gia, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Chú trọng xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, bồi dưỡng, rèn luyện cho họ có phong cách, tác phong công tác phù hợp, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, có sự am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của đồng bào để “nghe được đồng bào nói, nói đồng bào nghe”.

Nguyễn Mạnh Quang, Phó Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản