Tin mới

MTTQ tỉnh Gia Lai vận động đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững

(Mặt trận) -Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động, đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Cuộc vận động góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm chúc mừng đồng bào theo đạo nhân dịp giáng sinh.  

Gia Lai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tại thời điểm năm 2011 đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh còn 68.420 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 23,75%), trong đó, số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 51.198 hộ (chiếm tỷ lệ 74,82%). Để góp phần cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 23/7/2011 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 449/KH-MTTQ về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động không chỉ cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận mà còn đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra về thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của cuộc vận động là thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên trong lao động sản xuất; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đẩy nhanh tiến độ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Để cuộc vận động triển khai có hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng, trong hơn 10 năm qua kể từ khi cuộc vận động được triển khai thực hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, nội dung và ý nghĩa của cuộc vận động thông qua các buổi họp tổ tự quản, sinh hoạt các đoàn thể nhân dân; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư trong việc vận động Nhân dân tham gia thực hiện. Kết quả đã tổ chức được trên 4.400 buổi với trên 337.500 lượt người tham gia; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát đoàn viên, hội viên nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nguồn kinh phí, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã biên soạn và xuất bản gần 12.000 cuốn Sổ tay tuyên truyền thực hiện cuộc vận động bằng ba ngôn ngữ là: Kinh, Jrai, Bahnar, cấp phát cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Sổ tay gồm 10 nếp nghĩ, 10 cách làm được biên soạn ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hiện với những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số, như: biết được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; biết tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; biết cuộc sống là vốn quý, không tự ái, mặc cảm, không tự hủy hoại thân thể; thực hiện tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất; sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước…

Bên cạnh công tác tuyên truyền, trước khi triển khai đại trà trên phạm vi toàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức làm điểm cuộc vận động tại ba địa phương cấp huyện gồm Kbang, Chư Prông và Krông Pa để rút kinh nghiệm. Ba địa phương được chọn tổ chức điểm là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Tại các địa phương làm điểm, các mô hình về hỗ trợ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo đã được xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả. Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận các cấp tùy điều kiện của từng địa phương để có biện pháp triển khai phù hợp. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã xây dựng và duy trì trên 400 mô hình phát huy hiệu quả, đồng thời nhân rộng 398 mô hình với 18.274 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, hàng năm Mặt trận các cấp trong tỉnh còn lồng ghép nội dung cuộc vận động với các nội dung xây dựng xã nông thôn mới, làng nông thôn mới. Chủ động lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực tổ chức triển khai thực hiện. Huy động và phát huy sức mạnh nội lực của từng hộ gia đình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2020, đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp trên 93,6 tỉ đồng, huy động được trên 36.500 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ. Nhân dân đã tự nguyện hiến trên 86.800m2 đất ở, đất vườn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn...

Qua 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, một bộ phận không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn; nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất; nhiều làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Cùng với các chương trình, dự án, các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền và các tổ chức đoàn thể phát động cuộc vận động đã giúp 29.528 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; kết quả rà soát theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,96%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 12,09%; đời sống của đại bộ phận Nhân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội là người đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi thay, khởi sắc, bản sắc văn hóa và các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy; vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư cơ bản được giữ vững.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và kết quả đạt được cho thấy cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” là một cuộc vận động có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc; tạo được mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tương trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Hồ Văn Điềm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản