Tin mới

Nam Định: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) -Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo; đồng thời tiếp tục thực hiện đúng định hướng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Các vị chức sắc Phật giáo tỉnh thành kính dâng hương, hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh.

Nam Định là tỉnh trọng điểm về tôn giáo với số lượng các chức sắc, tín đồ Công giáo đứng thứ 3 cả nước; chức sắc, tín đồ Phật giáo đứng thứ 2 miền Bắc. Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động là Công giáo, Phật giáo, Tin lành. Trong đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh có 845 chùa, 894 tăng, ni, có Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường, Trường Trung cấp Phật học, 8 cơ sở An cư kiết hạ. Giáo hội Công giáo gồm Giáo phận Bùi Chu và Giáo hạt Nam Định thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội với 172 nhà thờ xứ, 493 nhà thờ họ, một giám mục, 249 linh mục, Trường Đại chủng viện, 6 dòng tu với gần 47 vạn giáo dân, chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Hội thánh Tin lành có Hội thánh Tin lành Nam Định (thành phố Nam Định) và Hội thánh Tin lành Hoành Nhị (Giao Thủy) đều thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam có 2 mục sư, hơn 800 tín đồ. Để bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động ổn định, tuân thủ các quy định của pháp luật; thời gian qua thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn như: Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban TVTU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh”. Hàng năm, Tỉnh ủy đều ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự; trong đó có nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo và hoạt động của các tôn giáo. Căn cứ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các Huyện ủy, Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng các văn bản để cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Không chỉ làm tốt công tác quản lý, Nam Định đang là một trong những tỉnh, thành phố trên cả nước có nhiều cách làm sáng tạo nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ các tôn giáo để phát triển kinh tế - xã hội. Trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, ngoài hưởng ứng các phong trào chung được phát động, đồng bào theo các tôn giáo còn hưởng ứng, triển khai nhiều phong trào khác như: “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Xây dựng chùa tinh tiến”... Kết quả, trong 10 năm gần đây toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt “Xứ, họ tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt “Gia đình Công giáo gương mẫu”; có 571 chùa đạt “Chùa tinh tiến”. Các cơ sở tôn giáo tiêu biểu là: Chùa Phúc Trọng, Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định); Chùa Hoành Nha Chính (Giao Thủy); Chùa Linh Ứng (Hải Hậu); Giáo xứ Thủy Nhai, Giáo xứ Xuân Dục (Xuân Trường). Đặc biệt trong phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng NTM, bà con giáo dân đã tự nguyện hiến 32.361m2 đất thổ cư, ủng hộ hơn 400 tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Từ các phong trào thi đua, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đang có nhiều hoạt động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ủng hộ người nghèo. Chức sắc các tôn giáo luôn đi đầu giúp đỡ xây nhà, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng chính quyền làm đường, xây dựng trường học, nhà văn hóa... Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các chức sắc tôn giáo đã quyên góp được trên 30 tỷ đồng, xây mới 376 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tặng cho người nghèo. Các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ trên 4,5 tỷ đồng vào các quỹ từ thiện, tặng gần 1.000 sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ, người nghèo cô đơn. Tòa Giám mục Bùi Chu đã tổ chức mổ thủy tinh thể miễn phí cho 1.100 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để 28 cơ sở tôn giáo trực thuộc nuôi dưỡng, chăm sóc trên 300 người già cô đơn. Đặc biệt, Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (Xuân Trường) là nơi chăm sóc trên 100 người có hoàn cảnh đặc biệt, dị tật bẩm sinh. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tôn giáo đều ra Thông Bạch, Thư Chung hướng dẫn tín đồ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, tổ chức các buổi lễ theo hình thức trực tuyến, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, các tôn giáo còn tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, các nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tiêu biểu như Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo tỉnh kêu gọi đóng góp hơn 1 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ban bác ái - xã hội thuộc Giáo phận Bùi Chu đã đến thăm, tặng quà cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cùng số người F1 đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) và tại Trung đoàn 180 thuộc Bộ CHQS tỉnh số tiền hàng chục triệu đồng. Hội Thánh Tin lành Hoành Nhị thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đỡ người nghèo khó, trẻ mồ côi trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh...

Thực hiện tốt công tác quản lý và huy động sức mạnh nguồn lực từ các tôn giáo đã góp phần quan trọng tạo đà để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vững mạnh, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 52% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Công tác chỉnh trang đô thị thành phố Nam Định có nhiều khởi sắc. Hoạt động thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có tín đồ các tôn giáo không ngừng được nâng lên rõ rệt./.

Xuân Thu

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản