Tin mới

Nâng cao đời sống đồng bào Khmer gắn với phát huy bản sắc văn hóa

(Mặt trận) -Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số; trong đó, đồng bào Khmer khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số cả nước… Nhờ sự nỗ lực của người dân cùng những quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành, đời sống của bà con vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều bước tiến đáng kể, hòa nhịp phát triển của toàn vùng.  

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Tạo sự phát triển toàn diện 

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ, việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn được quan tâm triển khai. Các chính sách dân tộc, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào.

 Đồng bào, sư sãi Khmer Nam Bộ làm lễ cầu siêu trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường Trung học Cơ sở, trạm Y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, các khóm (ấp) có điện lưới quốc gia; hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%... Các địa phương có chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer, từng bước đưa nghệ thuật truyền thống này thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng Lưu Văn Xem thông tin, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng chiếm trên 35,4% dân số của tỉnh; trong đó, riêng dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Địa phương luôn quan tâm triển khai các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương quan tâm hỗ trợ nhà, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào, đặc biệt là thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia... Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương 2,19%), trong đó có trên 3.000 hộ Khmer.

Đại diện Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố có 27 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 3% dân số. Đồng bào dân tộc Khmer có gần 23.700 người, chiếm trên 62% tổng số người dân tộc thiểu số toàn thành phố. Các chương trình tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer được thành phố thực hiện hiệu quả. Là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, gặp nhiều khó khăn, song Cần Thơ vẫn quan tâm đầu tư xây dựng 3 khu dân cư, bố trí đất ở cho trên 250 hộ dân tộc thiểu số.

Đời sống ngày càng được nâng cao là điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer thụ hưởng văn hóa tinh thần. Nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống trước đây có nguy cơ mai một, nay đã được phục hồi, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân nơi đây. Nhiều lễ hội văn hóa, nghi thức tôn giáo được gìn giữ, đồng thời trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo như: lễ mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Dolta)...

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Danh Văn Sanh (51 tuổi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) chia sẻ, từ chỗ là hộ nghèo không có nghề trong tay, gia đình ông đã mở dịch vụ nước giải khát và điểm tâm bình dân tại nhà. Sau đó, ông đi học nghề và làm thợ hàn. Ngoài cần cù, nỗ lực của bản thân, ông còn nhận được sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, động viên gia đình phát triển kinh tế. Hiện, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn. Không chỉ riêng gia đình ông, nhiều hộ Khmer ở địa phương luôn được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm, có chủ trương, chính sách phù hợp để ổn định và phát triển.

Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với tạo sinh kế bền vững

Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân, các ngành, đoàn thể cần tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phù hợp với điều kiện mới. Các địa phương khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Các địa phương cần chú ý gắn kết bảo tồn với hoạt động du lịch để vừa tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo, vừa tạo ý thức cho chính cộng đồng trong phát huy, trao truyền và thực hành các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.

Quan tâm yếu tố gắn kết phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nếu chỉ làm tốt công tác bảo tồn là chưa đủ. Do đó, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và giá trị văn hóa của đồng bào Khmer nói riêng được khai thác, phục vụ nhu cầu phát triển sinh kế bền vững. Đây là một quá trình “kinh tế hóa” các giá trị văn hóa, trong mối tương quan văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa bảo tồn, thích nghi và chống các hiện tượng thương mại hóa, làm phai nhạt hoặc biến chất các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo ông Phan Văn Giàu, người Khmer lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, chủ yếu là trồng lúa nước, hoa màu. Nghề thủ công truyền thống là một thế mạnh; trong đó, nổi bật là nghề chạm khắc gỗ trầm lục, đan lát… Cùng với đó, nhiều lễ hội truyền thống được người dân gìn giữ, thực hành thường xuyên như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ hội đua ghe Ngo, Lễ hội Sene Dolta. Hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng văn nghệ dân gian, các nghi lễ tôn giáo, nghi lễ truyền thống được bảo tồn và kế thừa qua các thế hệ. Toàn tỉnh hiện có 13 ngôi chùa Khmer; trong đó có 6 ngôi chùa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, 4 nghệ nhân dân tộc Khmer được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú.

Việc phát triển du lịch tại các điểm chùa Khmer ở Vĩnh Long đã được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào chương trình tham quan phục vụ du khách. Thời gian tới, các hoạt động lễ hội, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực dân gian Khmer, trình diễn nghệ thuật, trang phục, lễ hội Khmer… tiếp tục được đưa vào phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho cộng đồng; đồng thời, thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ khác ở địa phương phát triển. Tỉnh sẽ xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào Khmer.

Tỉnh chú trọng phát huy giá trị các loại hình âm nhạc, lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống và trò chơi dân gian để vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, lan tỏa tinh thần bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch, điều kiện cho đồng bào có công việc ổn định tại nơi cư trú. Vĩnh Long cũng xây dựng các chuỗi liên kết dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch, hình thành tour, tuyến du lịch bền vững tại các di tích lịch sử văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Phát huy vai trò các cơ sở đào tạo, Tiến sỹ Ngô Sô Phe, Trường Đại học Trà Vinh đề xuất, hiện nay, trường được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng điểm Quốc gia đào tạo nhân lực về ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam Bộ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, hàng năm, UBND các tỉnh, thành phố thống kê, rà soát lại đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer ở địa phương và phối hợp với trường mở các lớp đào tạo theo dạng “đặt hàng” ngành Sư phạm ngữ văn Khmer, ngôn ngữ Khmer, văn hóa học hoặc biểu diễn nhạc cụ truyền thống, bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Khmer cho công chức, viên chức của địa phương, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Các đơn vị chức năng tiếp tục đề xuất giải pháp tăng cường gắn kết bảo tồn và phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Cần Thơ, trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ngày càng có sự giao thoa; do đó, cần tích cực truyền thông điệp để thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Cần Thơ tiếp tục phối hợp Ủy ban MTTQ, Ban Dân tộc thành phố triển khai hiệu quả Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Trà (TTXVN)

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản