Tin mới

Nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ

(Mặt trận) - Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nam Bộ sống ở vùng sâu, vùng xa, với nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, mặt trái của cơ chế thị trường… khiến đời sống của nhiều hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn. Yêu cầu đặt ra là cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để đồng bào các DTTS phát triển sản xuất các nghề phi nông nghiệp, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu, hạnh phúc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Nghệ nhân dệt thổ cẩm tại làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, tỉnh An Giang_Ảnh: Tư liệu  

Vấn đề cần quan tâm

Trong tiến trình cách mạng ở nước ta, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn được Đảng ta xác định là vấn đề có tính chiến lược. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc"(1). Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới"(2).

Tây Nam Bộ, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, là nơi có đông đồng bào DTTS. Toàn vùng có khoảng 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ vùng có đông đồng bào DTTS. Nhờ đó, kinh tế - xã hội toàn vùng có bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng lên, tỷ lệ hộ DTTS nghèo ngày càng giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS ở Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, đại dịch COVID-19 những năm gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và cuộc sống người dân trong vùng, trong đó có đồng bào các DTTS. Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, vùng Tây Nam Bộ có hơn 1,3 triệu người DTTS, chiếm khoảng 7,5% dân số toàn vùng nhưng tỷ lệ hộ DTTS nghèo và cận nghèo chiếm đến 24,2%(3). Về tỷ trọng ngành, nghề đang làm việc, hiện nay, phần lớn người lao động DTTS ở vùng Tây Nam Bộ đang làm việc trong các nghề lao động giản đơn,  nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, lao động thủ công, nhân viên bán hàng. Rất ít người lao động DTTS đảm nhiệm các nghề nghiệp có yêu cầu kiến thức và kỹ năng, như: lao động quản lý, nhà chuyên môn bậc cao và bậc trung… Một bộ phận đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào Khmer còn khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và đời sống; nhiều hộ DTTS khó tiếp cận các chủ trương, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những hạn chế, khó khăn nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở vùng đồng bào DTTS.

Thực hành môn tin học của học sinh lớp 10C2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN  

Thực trạng giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ

Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã triển khai thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm ở vùng đồng bào DTTS. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện chính sách dạy nghề cho học sinh, sinh viên DTTS (Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg, ngày 31-10-2005, của Thủ tướng Chính phủ); chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người DTTS (Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg, ngày 11-11-2013, của Thủ tướng Chính phủ); chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Quyết định số 971/QĐ-TTg, ngày 7-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ); chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục (Nghị định số 49/2015/NĐ-CP, ngày 15-5-2015, của Chính phủ); chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2-10-2015, của Chính phủ)…

Việc dạy nghề và giải quyết việc làm ở vùng đồng bào DTTS ngày càng chú trọng vào những ngành, nghề phù hợp nhu cầu thị trường lao động. Một số địa phương đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho vùng có đông đồng bào DTTS, qua đó khuyến khích việc dạy và học nghề. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện tốt chính sách hỗ trợ gạo, tiền, miễn giảm học phí; trao học bổng, tặng quà cho học sinh, sinh viên DTTS vượt khó, học giỏi; xét cử tuyển, dự bị đại học, nội trú; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở  vùng có đông đồng bào DTTS. Các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có trường dân tộc nội trú; một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang có trường dân tộc nội trú cấp huyện. Tỷ lệ học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng, nhiều trường đạt tỷ lệ là 100%.

Các tỉnh, thành phố đều có trường trung cấp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ. Toàn vùng hiện có 364 cơ sở dạy nghề, có 119/131 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, với nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo, như: dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho lao động các khu công nghiệp… góp phần tạo việc làm cho nhiều người lao động DTTS. Những nỗ lực trong công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS của các tỉnh, thành thành phố, bình quân là 3-5%/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở vùng Tây Nam Bộ vẫn còn một số hạn chế. Nội dung đào tạo nghề cho người lao động DTTS còn nhiều bất cập; ngành, nghề dạy chủ yếu vẫn là nghề liên quan đến nông nghiệp, ngắn hạn; nhiều lao động có nhu cầu chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp nhưng vẫn chưa được đào tạo để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại địa phương. Một số nội dung trong các chủ trương, chính sách về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm chưa đồng bộ, khó triển khai thực hiện. Nhiều sinh viên DTTS  theo học hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường không bố trí được việc làm theo quy định. Ở một số vùng đồng bào DTTS còn thiếu giáo viên đạt chuẩn, thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy nghề đặc thù. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, nhất là nghề phi nông nghiệp, việc làm tại chỗ hiệu quả còn thấp; việc kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành, nghề được đào tạo.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do điểm xuất phát của vùng đồng bào DTTS ở các địa phương Tây Nam Bộ thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông thiếu và yếu, tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng trầm trọng. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục,  đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.

Khuyến nghị một số giải pháp

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”(4). Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14, của Quốc hội khóa XIV đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số”. Đề án cũng định hướng mục tiêu đến năm 2030 là: “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa”.

Trên cơ sở những định hướng của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở vùng Tây Nam Bộ, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-1-2018, của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”, Nghị quyết số 88/2019/QH14, của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và những chủ trương, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nam Bộ theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11- 2017, của Chính phủ “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách của Chính phủ và các địa phương về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm ở vùng DTTS. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, các trường dân tộc nội trú, ưu tiên đầu tư phát triển Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thành trường sư phạm nghề hiện đại ở vùng Tây Nam Bộ. Các hình thức giáo dục nghề nghiệp phải được triển khai phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, phù hợp với tập quán của đồng bào DTTS. Chú trọng hỗ trợ sau đào tạo nghề để người lao động có thể chủ động khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở sản xuất ở vùng có đông đồng bào DTTS để hỗ trợ đào tạo, tiếp nhận, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, quy hoạch lại hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục, đào tạo nghề ở vùng đồng bào DTTS cho phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng và của địa phương về giáo dục - đào tạo. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở dạy nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp, người lao động để nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở vùng đồng bào DTTS. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên dạy nghề thích ứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, trang bị những kỹ năng cần thiết cho người lao động DTTS thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nam Bộ; liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong nước để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Liên kết để đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án tạo sinh kế cho vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với tập quán của từng dân tộc để tạo việc làm ổn định cho đồng bào theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Thứ năm, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn người DTTS học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; nghiên cứu tổ chức các khóa, các lớp đào tạo nghề có chương trình, thời gian phù hợp trình độ dân trí, tâm lý học viên là người DTTS; chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu cho từng vị trí việc làm. Hạn chế tình trạng dạy nghề theo chỉ tiêu thành tích, dạy nghề theo phong trào, không gắn kết dạy nghề với nhu cầu thị trường, với thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương, với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ chi phí cho các hộ và người DTTS học nghề, chuyển đổi nghề, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất có đào tạo và sử dụng nhiều lao động là người DTTS.

Thứ sáu, do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, nhiều nông hộ là DTTS ở vùng Tây Nam Bộ rơi vào tình cảnh nghèo khó vì thiếu đất hoặc không còn đất đề sản xuất. Vì thế, đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giao cho người dân, cần chú trọng xây dựng và thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ khoa học - công nghệ, giúp đồng bào DTTS tiếp cận với nhiều nghề phi nông nghiệp, nhanh chóng chuyển đổi nghề để bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống. Có chính sách thiết thực hỗ trợ đào tạo nghề đối với đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ khuyến khích đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, huy động được các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, dân cư, hộ gia đình cùng với Nhà nước chăm lo đào tạo nghề, tạo việc làm để bảo đảm cuộc sống cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn./.

--------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.164
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 140
(3) Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.49
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 170

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản