Tin mới

Nét mới ở thung lũng Đồng Bản

(Mặt trận) -Xóm Đồng Bản, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có 150 hộ với 600 nhân khẩu, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Dao. Nằm cách trung tâm xã hơn 7km, xóm người Dao này như nằm giữa một lòng chảo với những dãy núi đá vôi sừng sững bao quanh. Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, sự cần cù, chịu khó, nhạy bén trong làm ăn của người dân, những năm trở lại đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở Đồng Bản được nâng lên đáng kể.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Gia đình anh Triệu Văn Sơn và các hộ nuôi dê tại xóm Đồng Bản hiện nay đều xây dựng chuồng trại để chăn nuôi chứ không thả rông như trước.

Hơn 5 năm trở về trước, để vào Đồng Bản chỉ có thể đi bộ trên con đường mòn duy nhất qua đèo Đì với những con dốc cao dựng đứng với nhiều sỏi, đá. Cái nghèo đói bủa vây các hộ dân trong xóm khi nông sản làm ra không bán được hoặc bán với giá chỉ bằng một nửa so với các xóm có đường giao thông thuận lợi.

Giờ đây, "bức tranh" Đồng Bản đã thêm những màu sắc tươi mới. Con đường nhỏ, hẹp khó đi ngày nào đã được thay bằng tuyến đường trải bê tông rộng gần 4m. Những quả đồi, sườn núi được phủ màu xanh của cây keo, bạch đàn, cây ăn quả...

Ông Phan Văn Sự, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bản phấn khởi nói: Đồng Bản giờ đã đổi thay rồi. Nhờ nguồn vốn từ Chương trình 135 mà con đường dài hơn 1km qua đèo Đì đã được đổ bê tông năm 2019. Người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để minh chứng cho điều mình vừa nói, ông Sự dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế của xóm. Gia đình anh Triệu Văn Sơn có tổng đàn dê lớn nhất nhì xóm, anh cho biết: Tôi chăn nuôi dê từ năm 2009 nhưng thường chỉ dưới 10 con và bán cho người dân trong vùng bởi trước đây đường đi lại khó khăn. Từ khi con đường vào xóm được xây dựng, tôi nuôi dê với quy mô lớn hơn và hiện có 40 con, năm 2020, tôi bán được 30 con dê, thu được gần 100 triệu đồng.

Ngoài gia đình anh Sơn, những năm qua, nhiều hộ dân trong xóm đã tận dụng diện tích đất rừng tự nhiên lớn để chăn nuôi dê. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khi giao thông thuận lợi hơn thì người dân mới chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Hiện nay, cả xóm có 25 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn trên 600 con, tăng gấp 3 lần so với trước năm 2019.

Đường được mở rộng, đổ bê tông thông thoáng, vì thế nông sản làm ra bà con không còn lo ế như trước nữa mà đã có thương lái đánh ô tô vào tận xóm thu mua. Do đó, không chỉ chăn nuôi dê mà người dân cũng tích cực đưa cây keo, bạch đàn, cây ăn quả vào trồng với diện tích ngày càng lớn. Hiện xóm có gần 200ha keo, bạch đàn và hơn chục héc ta cây ăn quả.

Anh Lý Văn Biên vừa thoăn thoắt cắt những quả na trên cây vừa nói: Diện tích trồng na của gia đình trước đây chủ yếu là trồng ngô, đậu tương nhưng do đất đai ngày càng bạc màu nên năng suất thấp. Cách đây 4 năm, tôi mua 2.000 gốc na về trồng, đến năm 2020, gia đình tôi thu hoạch 1,7 tấn quả, thu được gần 70 triệu đồng. Năm nay, tôi ước tính thu khoảng 4 tấn quả, bán được khoảng 100 triệu đồng…

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự năng động, chịu khó của bà con mà đời sống của đồng bào Dao xóm Đồng Bản từng bước đổi thay. Đến nay, xóm chỉ còn hơn 30% hộ nghèo, cận nghèo (giảm 40% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm…

Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Kinh tế - xã hội của xóm Đồng Bản trong những năm qua đã đạt những kết đáng ghi nhận. Thời gian tới, xã tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xóm, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Vũ Công

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản