Tin mới

Nga Hoàng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

(Mặt trận) -Xã Nga Hoàng là xã miền núi của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ  có nhiều người đồng bào dân tộc Dao, Mường sinh sống. Mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, song đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây rất phong phú, có những phong tục, tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng của người Dao, nổi bật như Lễ cấp sắc, Tết nhảy, cúng Bàn Vương, Lễ cơm mới… và nhiều nghi thức thờ cúng khác.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Xã Nga Hoàng mời ông Dương Đức Toàn xã Xuân Thủy là người có uy tín, hiểu kiến thức chữ Nôm Dao truyền đạt cho người dân

Tuy nhiên trong xu thế hội nhập hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc mình. Thực tế cho thấy hiện tại đồng bào dân tộc Mường trong xã Nga Hoàng không còn nói tiếng mẹ đẻ nhất là những người trẻ, không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc, các lễ hội cũng không còn duy trì. Còn đồng bào dân tộc Dao cũng có những dấu hiệu tương tự, trang phục dân tộc chỉ khi có lễ Tết quan trọng một số ít người trong cuộc mới sử dụng. Tiếng nói mẹ đẻ hầu như không còn dùng trong giao tiếp, chỉ có những người trung tuổi trở lên còn biết nói.

Mặc dù vậy, đồng bào Dao vẫn còn duy trì được các lễ Tết quan trọng của dân tộc như: Lễ Cấp sắc (chẩu đàng, quả tăng) dành cho người trưởng thành, lễ Tết nhảy (nhièng chậm đáo) tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, lễ Tạ mộ tổ (chảy ông cổ chấu) và các lễ Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hạ điền, Rằm tháng bảy đều tổ chức cúng lễ tại nhà Tổ nhằm tập hợp con cháu trong dòng tộc, đại gia đình. 

Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, lưu truyền cho các thế hệ mai sau, Đảng ủy xã Nga Hoàng đã ban hành Nghị quyết 12 về việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hiện nay trên địa bàn xã còn rất ít người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao, hầu hết những người này đã lớn tuổi nên việc truyền thụ lại những kiến thức, kỹ năng đọc, viết là rất cấp bách và cần thiết. Thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng Kế hoạch học chữ Nôm Dao truyền thống dân tộc nhằm huy động được đông đảo lớp trẻ tham gia học tập từ đó góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao trên địa bàn.

Đồng chí Trịnh Tiến Xuân- Bí thư Đảng ủy cho biết: “Đảng ủy xác định công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập”. Ngoài những nét văn hóa trên, xã Nga Hoàng còn khôi phục giữ gìn và phát triển các vị thuốc quý của tổ tiên người Dao để lại.

Thúy Hằng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản