Tin mới

Nghĩa cử cao đẹp của các tôn giáo trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19

(Mặt trận) -Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều đóng góp to lớn về vật chất lẫn tinh thần, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Nghĩa cử cao đẹp của các tôn giáo trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng tổ chức các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; hoãn hủy nhiều buổi thuyết giảng, các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người; hạn chế việc đón khách hành hương; tuân thủ thực hiện biện pháp 5K, treo biển khuyến cáo tại các cơ sở tôn giáo…Nhiều tổ chức tôn giáo đã chủ động thực hiện sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến thông qua các trang website, trang truyền thông của Giáo hội và cầu nguyện online tại gia đình để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ và người dân, vừa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Không chỉ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo còn chung tay, tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tham gia ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19”, với tinh thần nhân văn bác ái và phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, nhiều tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp nguồn lực vật chất, tinh thần, đồng hành cùng Chính phủ, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với một tinh thần và quyết tâm cao nhất. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã kịp thời hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, suất cơm phục vụ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ đồng bào khó khăn trong khu vực cách ly, phong tỏa; tổ chức thu mua nông sản của người dân trong vùng dịch,…

Thời gian qua, đã có có nhiều tấm gương chức sắc, tín đồ tiêu biểu là điểm nhấn đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả như: Phong trào “bữa cơm yêu thương” trong vùng tâm dịch; Phong trào “Phụ nữ Chăm may khẩu trang phục vụ cộng đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “tủ lạnh cộng đồng”, cây “ATM gạo”, “bếp yêu thương”... đã lan tỏa tinh thần từ bi bác ái, nhân văn của các tôn giáo trong đời sống. Điển hình như tại Đồng Nai, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, lan rộng tại nhiều địa phương, Ban Tôn giáo tỉnh đã tích cực vận động các cơ sở tôn giáo, tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh như: Thiền viện Thường Chiếu, Viện Chuyên tu, Chùa Phước Quang (H.Long Thành), Chùa Tỉnh hội, Chùa Bửu Phong, Chùa Long Thiền, Chùa Viên Giác, Thiền viện Trúc Lâm Nhật Quang, Ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận Xuân Lộc (TP.Biên Hòa), Giáo xứ Lộc Hòa (H.Trảng Bom), Đan viện Thánh Mẫu An Phước (H.Nhơn Trạch)… quyên góp và trao tặng nhiều phần quà là lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, mì, thịt, rau củ quả, trứng …) đến các khu phong tỏa, bệnh viện, bệnh viện dã chiến tại các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. 

Hay như tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đã có hàng nghìn tình nguyện viên là chức sắc, tín đồ các tôn giáo, như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành… đăng ký tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Lực lượng tình nguyện viên này được lựa chọn, tập huấn, xét nghiệm Covid-19, tiêm ngừa vắc-xin... đảm bảo đủ điều kiện để tham gia tuyến đầu chống dịch. Trong đợt xuất quân đầu tiên vào 22/7/2021, 299 tình nguyện viên các tôn giáo đã được bố trí vào Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10 (45 người) và Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (40 người). Tiếp đó, vào trung tuần thánh 8/2021, 70 tình nguyện là chức sắc, tu sĩ Công giáo  đã được bố trí tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8 người). Tiếp đó, 16 tình nguyện viên tôn giáo là tu sĩ Công giáo xuất quân đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 01… Tính đến nay, đã có 385 tình nguyện viên của các tôn giáo tham gia hỗ trợ, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, nhiều tổ chức tôn giáo đã tình nguyện sử dụng cơ sở của mình làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến, làm điểm lấy mẫu xét nghiệm; phát huy tốt vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường... trong việc phối hợp với chính quyền và cơ sở y tế ở địa phương tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, điển hình như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni, trong đó, khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer (Trà Vinh) để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị và được Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý sử dụng cơ sở Cộng đoàn Bác ái Cao Thái làm điểm cách ly tập trung cho các tu sĩ Công giáo khi có nhu cầu khẩn cấp và các tu sĩ sau khi hoàn thành đợt công tác tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam sử dụng trụ sở của Giáo hội làm nơi chữa bệnh và cách ly những người bị nhiễm Covid-19; Một số giáo phận Công giáo (Hà Tĩnh, Vinh) đề nghị chính quyền sử dụng các cơ sở tôn giáo để tổ chức cách ly y tế tập trung cho số tín đồ Công giáo và người lao động tại địa phương trở về từ các vùng dịch...

Trong những ngày này, các tổ chức tôn giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc đang tiếp tục ủng hộ, đóng góp ngày càng nhiều như Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam); Tòa Giám mục Giáo phận Vinh; Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre); Ủy ban Caritas các Tổng giáo phận (Hà Nội, Huế) và các giáo phận (Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc…) cũng đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam… với kinh phí hơn 10 tỷ đồng và các hoạt động thiện nguyện của các tổ chức tôn giáo trên khắp đất nước với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay, lực lượng trực tiếp ở tuyến đầu của Ban Tôn giáo Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang làm việc rất vất vả, khó khăn. Đặc biệt là cần có lực lượng tăng cường để đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng vận động, hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo để họ tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ vừa phát động.

Phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo để chung tay cùng cộng đồng chống và đẩy lùi dịch bệnh, trong thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp tục hướng dẫn, vận động các chức sắc, chức việc, huy động các lực lượng, tín đồ tôn giáo chung tay, nỗ lực quyết tâm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tuyên truyền các chức sắc, chức việc phát huy tối đa nguồn lực lớn của các tín đồ tôn giáo, chung tay đóng góp cho quỹ phòng, chống dịch, quỹ vaccine, tổ chức các hoạt động thiện nguyện hiệu quả để chia sẻ với các tín đồ và người dân gặp khó khăn do đại dịch, đảm bảo an toàn chung cho người dân và các tín đồ.

Nam Khánh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản