Tin mới

Người có uy tín Cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân

(Mặt trận) -Sống trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), luôn lắng nghe và nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã phát huy tốt vai trò là cầu nối chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con DTTS; đồng thời vận động mọi người tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Giữ gìn bình yên cho thôn, xóm

Cách đây chừng 10 năm, xã Phước Thành từng là địa bàn rất phức tạp về vấn đề an ninh trật tự (ANTT). Vì tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa và có tuyến Quốc lộ 27B đi qua nên nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng nơi đây để lẩn trốn và thực hiện các hành vi phạm pháp. Nhằm giảm thiểu số lượng, tính chất các vụ việc vi phạm pháp luật, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nổi bật là đưa vào hoạt động mô hình tộc họ tự quản về ANTT, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật và cảnh giác với tội phạm trong nhân dân địa phương. Có được kết quả như hiện nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của ông Chamaléa Tiến, người có uy tín ở thôn Ma Nai.

 Ông Từ Công Xiêng trao đổi công việc cùng Ban Công tác Mặt trận thôn Vụ Bổn.

Với bề dày kinh nghiệm trong quá trình công tác tại địa phương cũng như sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, năm 2010, ông được chính quyền và nhân dân tin tưởng bầu chọn làm Trưởng Ban vận động xây dựng tộc họ tự quản về ANTT. Bước đầu ông đã vận động tộc họ Chamaléa với 55 hộ dân tham gia mô hình. Dưới sự dìu dắt của ông, các thành viên cốt cán trong tộc họ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến đông đảo bà con; tích cực vận động các gia đình có con có biểu hiện sai phạm để giáo dục và răn đe; xử phạt các trường hợp không chấp hành quy ước, hương ước của tộc họ, quy định pháp luật cũng như chủ động tố giác tội phạm. Qua quá trình triển khai hiệu quả, các tộc họ khác đã học tập và đồng lòng làm theo. Đến nay, trên địa bàn xã Phước Thành (Bác Ái) có 13 tộc họ triển khai tốt mô hình này. Đồng chí Trương Công Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết: Thật đáng quý dù tuổi đã cao, ông Chamaléa Tiến vẫn tiếp tục cống hiến tài, trí cho sự phát triển chung của địa phương, đặc biệt trong công tác giữ gìn ANTT, an toàn xã hội. Ông là “hạt nhân” trong vận động bà con tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân, giữ vững tình đoàn kết gắn bó giữa các gia đình, dòng tộc và các khu dân cư.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trong những năm qua, vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS hết sức quan trọng trong công tác giữ gìn, phát huy bản sản văn hóa truyền thống trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, đồng thời bài trừ các hủ tục lạc hậu. Với vốn sống, kinh nghiệm và am hiểu về phong tục, tập quán của bà con DTTS, người có uy tín đã trở thành lực lượng nòng cốt để giữ và tiếp lửa bản sắc văn hóa đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Nhờ vai trò những người có uy tín, nhiều đội nhạc cụ dân tộc trên địa bàn tỉnh được giữ gìn và bảo tồn.Trong ảnh: Bà con dân tộc Raglai, thôn Bạc Rây, xã Phước Bình (Bác Ái) trong buổi tập nhạc cụ dân tộc. 

Trên cung đường đến thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh (Thuận Nam), chúng tôi được nghe bà con nhắc nhiều đến ông Từ Công Xiêng với niềm tâm huyết trong bảo tồn và lưu giữ văn hóa Chăm Bàlamôn. Bởi các tập tục, nghi thức trong tổ chức lễ, hội, việc cưới, việc tang đều được ông thuộc nằm lòng. Mọi thắc mắc của bà con trong thực hiện các nghi lễ đều được ông giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa của Lễ hội Katê được ông tích cực truyền đạt lại cho con cháu, gia đình và nhân dân địa phương biết đến. Cùng với đó, ông còn vận động nhân dân xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện tốt nếp sống mới, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thông qua các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt dòng họ, qua đó, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hay với ông Pi Năng Trách, thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) với niềm trăn trở về bảo tồn nhạc cụ dân tộc Raglai. Không cần ai khen, chẳng cần ai thưởng, trong suốt nhiều năm liền, ông đã cùng với các nghệ nhân trong thôn nỗ lực xây dựng và duy trì thành công 3 đội nhạc cụ dân tộc, đồng thời tham gia truyền dạy cách thức sử dụng nhạc cụ Mã La cho học sinh các trường học trên địa bàn huyện Bác Ái.

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có 124 người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, Raglai, K’Ho, Nùng...Thực tế cho thấy, những người có uy tín không chỉ được ví như nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết ý Đảng, lòng dân mà họ còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người trong thôn, xóm luôn vững tin đi theo Đảng, Nhà nước; tích cực ủng hộ và góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lê Thi

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản