Tin mới

Người uy tín của buôn làng Xí Thoại

(Mặt trận) -Là một người con của núi rừng, lớn cùng cây thuốc, lại được tham gia các lớp đào tạo y tế từ thời kháng chiến, ông La Chí Thái (SN 1941, dân tộc Ba Na, ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã trở thành người thầy thuốc có tâm, có tài. Không những vậy, ông còn là một người có uy tín, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Xí Thoại.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Thầy thuốc tâm huyết

Từ nhỏ, La Chí Thái đã theo ông nội lên núi hái thuốc, được học cách nhận biết các cây thuốc cũng như cách sử dụng, bào chế thuốc chữa bệnh. Năm 1960, La Chí Thái đi bộ đội. Nhờ có kinh nghiệm nhận diện cây thuốc, ông được đơn vị phân làm y sĩ trong quân đội, được học qua lớp y tá cứu thương, sau đó học thêm lớp trung cấp y dược. Thời điểm chiến tranh ác liệt, thiếu thốn thuốc men, ông La Chí Thái phải vận dụng kiến thức đông - tây y kết hợp trong sơ cứu, điều trị bệnh. Ông lên rừng tìm nhiều loại cây thuốc để chữa các loại bệnh thông dụng cho bộ đội như sốt rét, đau bụng, sưng tấy, viêm nhiễm... Quá trình làm quân y, ông học hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, mở rộng kiến thức để nâng cao tay nghề.

 Già làng, thầy thuốc La Chí Thái phơi cây thuốc tại nhà

Sau 15 năm phục vụ trong quân đội, ông về công tác tại huyện đội, đến năm 1983 thì về quê. Từ đây, ông dành tất cả thời gian, tâm huyết để sưu tầm các loại cây thuốc. Sở trường của ông là các bệnh về viêm gan, viêm gan siêu vi B, suy thận, dạ dày, đại tràng, tá tràng, thấp khớp, cảm mạo, thương hàn… Nhiều bệnh nhân đi các nơi chữa bệnh không khỏi, lên gặp thầy Thái, kiên trì uống vài chục thang thuốc là bệnh thuyên giảm. Nguyên tắc của ông là không làm giàu từ cây thuốc. Với mỗi thang thuốc, ông chỉ lấy đủ tiền trả công cho người đi rừng hái thuốc. Với người khó khăn, ông sẵn sàng miễn phí. Người được ông chữa khỏi, có thể “tạ ơn” ông bằng con gà, ché rượu, hoặc đơn giản là những sản vật núi rừng. “Tiếng lành đồn xa”, người đến nhà thầy Thái chữa bệnh không chỉ là dân trong vùng, mà còn từ nhiều nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau…

Anh La Lan Tuy ở thôn Xí Thoại chia sẻ: 3 năm trước, tôi bị viêm cột sống, đã đi bệnh viện chữa nhưng không khỏi. Về nhà, tôi thử đến thầy Thái kiểm tra, bốc thuốc; uống hết mấy thang thì đỡ bệnh. Đến nay, tôi hồi phục sức khỏe. Rất nhiều người cũng được thầy Thái chữa khỏi bệnh; ai cũng biết ơn và tin tưởng tay nghề của thầy.

Già làng uy tín

Không chỉ là thầy thuốc, ông La Chí Thái còn là già làng, người có uy tín ở thôn Xí Thoại. Ông là người có công rất lớn trong việc xây dựng thôn Xí Thoại trở thành thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Ông La Chí Thái đã thử nghiệm, hướng dẫn bà con cách làm lúa nước, trồng rau màu, phát triển cây mía để thoát nghèo. Ông cũng chủ động thay đổi tập tục của người đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại; vận động dân làng bỏ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi; vận động con em trong làng không bỏ học, không tảo hôn, kết hôn cận huyết...

Ông La Chí Thái tâm sự: Thôn Xí Thoại là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Chăm, Ba Na; cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi được bà con tin tưởng bầu làm già làng, tôi luôn cố gắng gương mẫu, tìm mọi cách để nâng cao đời sống, nhận thức cho bà con. Tôi cũng vận động hàng chục gia đình trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế gia đình.

Song song với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thì việc bảo tồn các giá trị truyền thống của người đồng bào nơi đây cũng được già làng La Chí Thái quan tâm, gìn giữ. Nhờ vậy, thôn Xí Thoại vẫn duy trì được các hoạt động văn hóa truyền thống của bà con nơi đây như nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm; nghề dệt thổ cẩm truyền thống, lễ hội đâm trâu xoay cột, lễ cúng mừng sức khỏe…

Ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, cho biết: Ông La Chí Thái vừa là già làng, người có uy tín, vừa là thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng. Ông luôn chủ động tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như tiếp cận, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống nhằm giúp đỡ người dân trong thôn nâng cao đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

NGÔ XUÂN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản