|
Tuyến đường tổ 3, ấp 3, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) được đồng bào dân tộc Hoa hiến trên 2ha đất để mở rộng, láng nhựa. |
Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp cho biết, người có uy tín trên địa bàn xã không chỉ phát huy tốt vai trò cầu nối giữa 11 thành phần dân tộc thiểu số tại cộng đồng với Đảng, chính quyền, mà còn là tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống.
* Gắn kết cộng đồng
Ông CHU VĂN PHÚ, người có uy tín tại ấp 6, xã Sông Trầu cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền địa phương, 11 đồng bào dân tộc anh em trên địa bàn xã ngày càng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không bao giờ tin, cũng như không nghe, không làm theo lời những kẻ xấu”.
|
Vùng đất Sông Trầu đá nhiều hơn đất thịt, vậy mà những vườn rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số: Hoa, Tày, Nùng, Mường… vẫn xanh ngát chuối cấy mô, mít, bưởi, sầu riêng… Ngừng khua ủng trên những tảng đá, ông Trần A Hồng (dân tộc Hoa, ngụ ấp 3, xã Sông Trầu) tiến ra con đường nhựa chạy ngang rẫy chuối cấy mô 2ha của gia đình niềm nở mời chúng tôi vào nhà.
Nhờ người có uy tín dân tộc Hoa Diệp Vĩnh Sáng dẫn vào mà chúng tôi được ông Hồng không ngại ngần kể tận tường công cuộc khai hoang vùng đất đá từ cái rựa, cuốc, xà beng thô sơ cho tới áp dụng máy móc hiện đại như: máy xới, máy đào, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái… trong việc trồng cây chuối cấy mô. Nhất là chuyện đồng bào dân tộc Hoa quan tâm tới việc học hành cho thế hệ trẻ, xây dựng mối đoàn kết dân tộc, hiến đất làm đường giao thông nông thôn...
Sau khi nghe ông Hồng kết thúc câu chuyện, người có uy tín Diệp Vĩnh Sáng tiếp tục dẫn chúng tôi đi gặp những người uy tín khác trong xã như: Chu Văn Phú (dân tộc Nùng, ngụ ấp 6), Lý Thị Tư (dân tộc Hoa, ngụ ấp 7), Hoàng Văn Minh (dân tộc Nùng, ngụ ấp 8)…
Là người có uy tín tại ấp 8, tiêu biểu của xã, huyện về sản xuất, tạo lập mối đoàn kết, ông Hoàng Văn Minh tự hào khi đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày, Sán Dìu, Thổ, Mường… trong ấp không phân biệt nhà nhiều đất hay ít đất, lập nghiệp trước hay sau, vẫn tự nguyện phá bỏ cây trồng, đất đai khi ấp, xã mở đường nhựa rộng 8-10m qua rẫy vườn của họ.
Ông Minh chia sẻ, để đồng bào dân tộc thiểu số đồng lòng như thế, người có uy tín phải luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào tại địa phương; tích cực vận động đồng bào của mình để ý Đảng hợp với lòng dân.
Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp cho biết, người có uy tín đóng vai trò rất lớn trong việc vận động người dân tin tưởng vào đường lối của Đảng; chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đơn cử như người có uy tín Diệp Vĩnh Sáng không chỉ là đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại ấp 3 mà còn là cán bộ Mặt trận, khuyến học kỳ cựu ở xã.
* Thắt chặt mối đoàn kết dân tộc
“Người có uy tín, cũng như những đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu chăm ngoan, hiếu học đóng vai trò rất lớn khi địa phương triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn” - cán bộ phụ trách công tác tôn giáo - dân tộc xã Sông Trầu BÙI MINH HIẾU bày tỏ.
|
Xã Sông Trầu có trên 3 ngàn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số, với 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Ngoài tham gia sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia vào lĩnh vực dịch vụ. Nhờ vậy, số hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện không còn.
Để thắt chặt mối đoàn kết dân tộc, ngoài phát huy vai trò người có uy tín, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, chính quyền xã Sông Trầu còn thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào các dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về chính sách dân tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung.
|
Người có uy tín Diệp Vĩnh Sáng thường đi đến nhà đồng bào dân tộc Hoa ở xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân |
Song song đó, địa phương rất quan tâm, chú trọng xây dựng, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số, khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy những truyền thống tốt đẹp, các giá trị văn hóa, tinh thần của từng dân tộc.
Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp cho biết, đặc điểm chung của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là di cư đến xã Sông Trầu rất sớm (từ năm 1990 trở về trước); có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán hết sức độc đáo, đa dạng; có tính truyền thống, tính cộng đồng cao; đồng bào các dân tộc thiểu số rất cần cù lao động, có sự gắn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh.
“Vai trò kết nối của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng. Họ đã khơi dậy tình cảm, trái tim của đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia các phong trào của địa phương, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới; siêng năng lao động, phát triển kinh tế gia đình, có đời sống ngày càng sung túc, giữ được bản sắc của dân tộc mình” - Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp bày tỏ.
Những ngày cuối tháng 11-2023, vườn rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Sông Trầu vẫn tươi xanh bởi những vườn chuối cấy mô. Loại cây trồng này đang thay thế cây cà phê, tiêu, mang lại thu nhập cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số: Hoa, Nùng, Tày, Mường… nơi vùng đất đá xã Sông Trầu.
Thanh Tiến