Tin mới

Người uy tín ở Đắk Nông nói đi đôi với làm

(Mặt trận) -Đội ngũ người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước phát huy vai trò của mình trong cộng đồng dân cư, nói đi đôi với làm, là tấm gương sáng để bà con dân tộc thiểu số (DTTS) noi theo.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Đi đầu trong phát triển kinh tế

Năm 1993, ông Hoàng Văn Chò, dân tộc Nùng từ Cao Bằng vào lập nghiệp ở thôn 10, xã Đắk R’la (Đắk Mil). Ban đầu, do chưa hiểu được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp tại vùng đất mới, nên cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Vì vậy, ông vừa phát triển cây ngắn ngày, vừa chủ động học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê từ những hộ xung quanh. Đến nay, ngoài 1 ha cà phê, 2,5 ha cao su, gia đình ông còn chăn nuôi nhím, gà thả vườn. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 150 triệu đồng.

Ông Chò cho biết: “Tôi từ Bắc xa xôi vào đây để mong muốn cuộc sống khá hơn, nên dù vất vả đến mấy cũng cố gắng khắc phục. Hiện nay, kinh tế tuy đã khấm khá hơn, nhưng không vì vậy mà tôi dừng lại. Ngược lại, tôi càng cố gắng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất”.

 Ông Hoàng Văn Chò (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong thôn

Từ khi kinh tế phát triển, ông Chò có điều kiện tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương. Phát huy vai trò NCUT, ông Chò tích cực vận động bà con trong thôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cố gắng lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo; chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Vàng Tráng Di, dân tộc Mông vào lập nghiệp tại thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong) nhiều năm nay. Với tính cần cù, chịu khó, đến nay, ông đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu cho gia đình. Gia đình ông Vàng Tráng Di hiện có 2ha trồng cà phê. Nhờ biết chăm sóc, đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, nên vườn cây phát triển tốt, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Bên cạnh đó, ông Vàng Tráng Di còn làm thêm lúa nước để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Ông Vàng Tráng Di cho biết: “Khi mới vào đây, nơi tôi ở chưa có ai trồng cà phê, chủ yếu là hoa màu, cây ngắn ngày. Từ việc làm thuê cho các gia đình, tôi đã bắt đầu học hỏi, từng bước đưa cây giống cà phê vào trồng. Từ đó, cà phê trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Mô hình của gia đình thành công, tôi đi vận động, hướng dẫn bà con trong thôn cùng phát triển cây cà phê để hiệu quả bền vững hơn”.

Không những vậy, phát huy vai trò NCUT, ông Vàng Tráng Di còn thường xuyên tuyên truyền người dân định canh, định cư, không di cư tự do, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đặc biệt là nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống với các tệ nạn xã hội như: mua, bán người, cờ bạc, ma túy, trồng cây thuốc phiện, khai thác gỗ trái phép…

Không chỉ có ông Vàng Tráng Di, Hoàng Văn Chò, thời gian qua, đội ngũ NCUT trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ. Từ sự nỗ lực, gương mẫu của đội ngũ NCUT đã tạo động lực để bà con dân tộc thiểu số cố gắng hơn nữa trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, nhiều NCUT còn là nghệ nhân, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đơn cử như bà H’Yon, sinh năm 1970, dân tộc M’nông, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) là nghệ nhân dệt thổ cẩm tiêu biểu trong bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc.

Bà H’Yon cho biết: “Lúc hơn 20 tuổi, tôi tự mày mò, học hỏi để dệt thành thạo những tấm vải cho gia đình. Buổi tối, tôi thường dành nhiều thời gian để dệt tấm áo, váy, chăn… một phần để bán tăng thêm thu nhập, phần để lưu giữ lại nghề của đồng bào mình”.

 Những lúc nông nhàn, nghệ nhân H’Jon miệt mài bên khung dệt và truyền dạy kỹ thuật dệt cho chị em trong bon

Từ trăn trở với dệt thổ cẩm của dân tộc, đến nay, bon Pi Nao đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, trong đó bà H’Yon làm Tổ trưởng. Từ khi có Tổ hợp tác này, bà H’Yon đã cùng các thành viên khác có thêm động lực để nỗ lực giữ nghề cha ông để lại.

“Tôi thường xuyên vận động con, cháu trong bon học dệt thổ cẩm, bởi đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc M’nông. Ban đầu, các cháu không thích vì nghề này đòi hỏi phải đam mê, cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng đến nay, nhiều cháu đã làm quen và bén duyên với dệt”, bà H’Yon cho biết thêm.

Nghệ nhân Nhân dân Nông Thanh Hưu, dân tộc Tày ở thôn 9, xã Nam Dong (Cư Jút) là người đã góp công lớn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày trên vùng đất Đắk Nông.

Ông Nông Thanh Hưu vác ba lô vào Nam Dong lập nghiệp gần 20 năm nay. Quá trình lập nghiệp, đàn tính đã trở thành người bạn tâm giao để ông chia sẻ, gửi gắm vào đó những buồn, vui của cuộc sống, tình yêu, nỗi nhớ quê hương. Đam mê nhạc cụ dân tộc, qua nhiều năm tự học, tự nghiên cứu, đến nay, ông Hưu đã sử dụng và chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, nặng lòng với văn hóa dân tộc, ông Hưu đứng ra thành lập câu lạc bộ Đàn tính hát then để bà con có dịp giao lưu, học hỏi, thỏa lòng đam mê.

Ông Hưu chia sẻ: “Dù sinh sống trên vùng đất mới nhưng bà con chúng tôi luôn động viên, cùng nhau đoàn kết, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thấy đàn tính, hát then được lớp trẻ tiếp nhận và duy trì ai nấy cũng phấn khởi, tự hào".

Bên cạnh đó, ông Hưu còn mở lớp dạy đàn tính, hát then cho các em học sinh để khơi dậy cho các em nhỏ dân tộc Tày, Nùng niềm đam mê âm nhạc dân gian của dân tộc mình từ đó có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc. Đặc biệt, với niềm say mê, yêu thích, ông đã tự tìm tòi, học hỏi và làm ra những nhạc cụ như: đàn tính, đàn nhị, sáo… phục vụ cho các câu lạc bộ, các lớp học văn hóa truyền thống của các em học sinh và những người yêu thích tại địa phương.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023 – 2027, Đắk Nông có 309 NCUT (293 nam, 16 nữ), thuộc các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Tày, Mông, Hoa, Sán Dìu, Mường, Dao… Thời gian qua, đội ngũ NCUT luôn phát huy vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, tích cực tuyên truyền, vận động bà con DTTS chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của thôn, bon. Hơn nữa, NCUT biết được tiếng nói, lại am hiểu phong tục, tập quán, chính sách của đồng bào mình, nên khi tuyên truyền, vận động luôn tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân.

Tại Hội nghị gặp mặt, cung cấp thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật cho NCUT trong đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh vai trò của NCUT trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, người dân chính là nhân tố quyết định thành công hay thất bại trong mọi việc của tỉnh. Do đó, những NCUT nói riêng, bà con DTTS nói chung cần phải phát huy tính tự giác, tự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh bảo tồn văn hóa truyền thống, NCUT cần vận động bà con DTTS đoàn kết, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa mới; vận động, động viên đồng bào các dân tộc tích cực lao động, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh đề ra và chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông.

V.V

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản