Tin mới

Nhân rộng điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm gần đây, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có những thay đổi tích cực, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Đóng góp vào thành quả chung ấy có dấu ấn không nhỏ của những cá nhân điển hình tiên tiến.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Dấu ấn những "hạt nhân"

Cùng lãnh đạo địa phương ghé thăm thôn Cẩm Đàn, xã Cẩm Đàn (Sơn Động), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về cảnh quan nơi đây. Dọc đường trục chính dẫn vào thôn là những ngôi nhà kiên cố nằm san sát nhau và hai bên đường sạch sẽ, không có rác thải. 

Lãnh đạo UBND xã Vô Tranh (Lục Nam) gặp gỡ người dân thôn Đồng Mạ để vận động hiến đất xây dựng cầu. 

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã nói: “Trước đây, do địa phương chưa có điểm tập kết, thu gom xử lý rác thải nên tình trạng người dân vứt rác ra đường vẫn xảy ra. Gần một năm nay, tình trạng này đã không còn khi ông Hoàng Văn Quyền (SN 1971), dân tộc Tày, trưởng thôn bỏ tiền mua ô tô tải và đứng ra thu gom, vận chuyển rác thải của người dân đến điểm xử lý của huyện”.

Ông Hoàng Văn Quyền được người dân trong thôn tín nhiệm, bầu làm trưởng thôn hơn chục năm nay. Ông luôn gương mẫu trong mọi phong trào, trở thành "hạt nhân" ở cơ sở. Cách đây 10 năm, khi địa phương có chủ trương vận động các hộ không thuê đoàn nhạc hiếu mà sử dụng loa đài trong đám hiếu, ông trực tiếp đảm nhận khâu âm thanh khi các gia đình có việc tang. 

Các ngành, đoàn thể thôn đứng ra hỗ trợ gia đình làm công tác hậu cần, góp phần giảm chi phí cho các gia đình, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Cách đây 3 năm, ông tiên phong hiến hơn 20 m2 đất thổ cư để mở rộng đường trục chính của thôn. Thấy ông làm, các hộ trong thôn làm theo, hiến 900 m2 đất thổ cư làm 6,6 km đường giao thông rộng 3,5 m. 

“Để mở rộng đường thôn lên 5,5 m theo chính sách hỗ trợ của huyện, mới đây ông Quyền cũng cam kết phá bỏ tường rào để hiến thêm 20 m2 đất thổ cư. Thấy ông cam kết, 100% hộ dân bám trục đường chính của thôn cũng đồng thuận, sẵn lòng hiến đất mở đường”, ông Lê Văn Hồng nói thêm.

Ở vùng DTTS và miền núi, nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng được phát động, qua đó tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh vượt khó, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Tại hầu hết các địa phương, lĩnh vực đều xuất hiện những điển hình, gương sáng. 

Trường hợp của Thượng úy Diệp Đình Phương (SN 1991), dân tộc Sán Dìu, Trưởng Công an xã Kiên Thành (Lục Ngạn) là một ví dụ. Đầu năm 2021, anh được cấp trên điều động giữ vai trò Trưởng Công an xã Kiên Thành đúng thời điểm địa phương đang triển khai dự án hạ tầng khu dân cư tại thôn Bản Mùi Phú và Chùa Rào. 

Nhiều người cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng nên không đồng thuận. Dù mới nhận nhiệm vụ song anh không ngại khó, dành nhiều thời gian về với bà con, thực hiện triệt để phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng nói tiếng dân tộc và cùng làm) với đồng bào. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thuyết phục bà con ủng hộ chủ trương chung. 

Hay đầu năm nay, anh đứng ra vận động người dân địa phương đóng góp kinh phí lắp đặt 72 camera an ninh tại 16/17 thôn (thôn còn lại chưa có sóng wifi), qua đó giúp lực lượng kịp thời phát hiện 7 vụ trộm cắp tài sản, làm rõ 2 vụ va chạm giao thông, 3 vụ đổ rác thải trộm và giúp 2 người dân tìm lại tài sản đánh mất. 

Hay như ông Hoàng Văn Thành (SN 1973), dân tộc Nùng, hội viên Hội Nông dân xã Xuân Lương (Yên Thế) làm giàu nhờ cây chè, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động địa phương; ông Hoàng Tiến Lực (SN 1978), dân tộc Tày, thôn Hèo, xã Hương Sơn (Lạng Giang) là chủ cơ sở xưởng ván bóc và xưởng nan, giải quyết việc làm thường xuyên, tạo thu nhập cho 34 lao động là người DTTS...

Kịp thời khích lệ

Là tỉnh miền núi với 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK), những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho khu vực này với nhiều chính sách bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực. 

Tại Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020, từ các nguồn vốn, vùng DTTS và miền núi được đầu tư gần 646 tỷ đồng phát triển KT-XH, diện mạo nông thôn có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm sâu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở xã ĐBKK giảm bình quân 7,63%/năm. 

Đến nay, 100% thôn, bản có điện; 100% số xã vùng DTTS, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa; 70% đường trục thôn, bản được cứng hóa... 

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nói: “Để các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, địa phương luôn coi trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được lan tỏa trong cộng đồng, trở thành phong trào chung của địa phương”.

 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, trong đó vốn ngân sách T.Ư là hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh, huyện, xã và vốn tín dụng chính sách, nguồn huy động khác. Đáng chú ý, tỉnh dành hơn 16,3 tỷ đồng để biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Theo đánh giá, dù đời sống bà con vùng DTTS và miền núi đã có những bước phát triển đáng kể song do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại khu vực này chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác, giữa các thành phần dân tộc còn khác biệt. 

Để trợ lực cho địa bàn này, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm bình quân 2,5%/năm, trong đó các xã ĐBKK giảm 3%/năm, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi để triển khai thực hiện các dự án. 

Trong đó vốn ngân sách T.Ư là hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh, huyện, xã và vốn tín dụng chính sách, nguồn huy động khác. Đáng chú ý, tỉnh sẽ dành hơn 16,3 tỷ đồng để biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: “Để kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình, Ban sẽ chủ động nắm bắt ngay từ cơ sở và khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức có cách làm hay, sáng tạo tại địa phương. Các hội nghị biểu dương cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô lớn hơn để tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các địa phương và từng cá nhân”.

Sỹ Quyết

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản